Nhiều vướng mắc về quỹ đất xây nhà lưu trú cho công nhân
Kinhte&Xahoi
Nhà lưu trú cho người lao động, đặc biệt là công nhân tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX- KCN) đang là nhu cầu bức thiết rất lớn. Tuy nhiên, một trong các vấn đề còn vướng mặc là quỹ đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú nên chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.
Nhu cầu nhà lưu trú của công nhân là rất lớn.
Đó là ý kiến của đại diện nhiều cơ quan quản lý, các KCX-KCN, doanh nghiệp tại hội thảo "Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất" do Báo Pháp luật TPHCM tổ chức ngày 21/5.
Nhu cầu nhà ở lớn
Ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý các khu công nghiệp TPHCM (Hepza) cho biết, hiện TPHCM có khoảng 285.000 công nhân đang làm việc tại 17 KCX-KCN, nhưng nếu tính tại các cụm công nghiệp nhỏ lẻ bên ngoài với số lượng 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động thì số lượng người lao động còn lớn hơn, có thể lên đến 380.000 lao động.
Trong số 285.000 người lao động đang làm việc tại các KCX-KCN có khoảng 65% có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, hiện nay, TPHCM mới chỉ đáp ứng cho khoảng 15.000 người. Do đó, phần lớn, các công nhân đều thuê phòng trọ để giải quyết chỗ ở. Các khu nhà trọ đều chưa đảm bảo điều kiện sinh sống cơ bản cho công nhân. Theo thống kê hiện đã có 12 nhà lưu trú cho công nhân được huy động từ nhiều nguồn.
Cụ thể, theo ông Khanh, hiện có bốn nguồn cung cấp chỗ ở cho công nhân. Một là, các chủ doanh nghiệp có sử dụng lao động tự xây nhà lưu trú cho công nhân. Hai là, công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật của thành phố đầu tư. Ba là, các doanh nghiệp tự bỏ vốn ra xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Một nguồn rất lớn nữa là các cá nhân xây phòng trọ để cho công nhân thuê. Đây chính là nguồn cung về chỗ ở cho công nhân hiện nay.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM mong muốn người lao động có nơi ăn chốn ở được đàng hoàng để đời sống được cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên, qua báo cáo của Liên đoàn cho thấy phần lớn người lao động phải ở các khu nhà trọ tự phát, có những khu nhà trọ ọp ẹp, môi trường sống không đảm bảo.
DN chưa mặn mà
Mặc dù nhu cầu nhà ở lớn nhưng hiện lĩnh vực này chưa thu hút được các DN do còn gặp nhiều vướng mắc. Ông Nguyễn Công Khanh cho biết, một trong các vấn đề còn vướng mặc là quỹ đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú. Với quy định hiện hành, quỹ đất xây dựng nhà lưu trú phải nằm ngoài ranh khu công nghiệp. Điều này đòi hỏi nhà quy hoạch phải có chiến lược xây dựng quỹ đất. Đồng thời, các sở, ban, ngành cũng cần có sự hỗ trợ về vốn, thủ tục cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành, một doanh nghiệp tiên phong xây nhà giá rẻ cho rằng, việc xây nhà lưu trú cho công nhân là trách nhiệm của nhà nước và doanh nghiệp. Hiện nay, tiêu chí về nhà giá rẻ chưa rõ ràng, thủ tục nhà giá rẻ và nhà thương mại hầu như giống nhau nhưng chủ đầu tư xây nhà giá rẻ bị nhiều ràng buộc nên nếu không tháo gỡ thì sẽ không thu hút được doanh nghiệp tham gia. Muốn mô hình này thành công thì doanh nghiệp chỉ phải đầu tư 30% còn lại phải hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau.
Ông Trần Quốc Đạt, Phó phòng phát triển nhà, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, hiện nay TPHCM đang triển khai 15 dự án nhà giá rẻ với quy mô 47ha, nhưng có đến 6 dự án đang trong giai đoạn đền bù giải tỏa, rất khó khăn. Nếu các dự án này được triển khai hoàn thiện sẽ giải quyết chỗ ở cho 95.000 công nhân. Doanh nghiệp tham dự vào dự án nhà giá rẻ bị kiểm soát giá cho thuê, giá bán, đối tượng mua nên doanh nghiệp nản vì thủ tục. Cái khó khăn lớn nhất hiện nay là quỹ đất để đầu tư loại hình nhà ở cho công nhân.
Ngoài ra theo các đại biểu, với quy định hiện hành, quỹ đất xây dựng nhà lưu trú phải nằm ngoài ranh khu công nghiệp. Điều này đòi hỏi nhà quy hoạch phải có chiến lược xây dựng quỹ đất. Đồng thời, các sở, ban, ngành cũng cần có sự hỗ trợ về vốn, thủ tục cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú. Tuy nhiên với quy định về Luật Quy hoạch mới ban hành, việc chuyển đổi cũng gặp không ít khó khăn…
Theo Báo Hải Quan/ Pháp luật Plus