Thu tiền khách hàng từ việc bán... “rừng lau”
Mặc dù được Phúc Khang Corporation quảng cáo trên website chính thức bằng những lời “có cánh” như tọa lạc trên 2 mặt tiền đường Mai Chí Thọ và Đồng Văn Cống (thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, TP Hồ Chí Minh), dự án Rome by Diamond Lotus được ví như “thành Rome” của Sài Gòn bởi sự kết nối giao thương thuận tiện đến mọi nơi trong thành phố và khu vực, trung tâm kết nối các tỉnh thành trong cả nước… nhưng khi tìm đến dự án thì PV thật sự ngỡ ngàng, bởi thực tế dự án chỉ toàn cây cỏ lau cao vượt đầu người, không khí ảm đạm, không dấu hiệu nào cho thấy việc thi công từ CĐT.
Dự án Rome by Diamond Lotus hiện tại chỉ toàn cây cỏ lau cao vượt đầu người, không có dấu hiệu thi công.
Trong vai trò khách hàng, chúng tôi được nhân viên T. mời chào nhiệt tình: “Dự án này bên em gồm 3 tháp cao 32 tầng với hơn 700 căn. Mới mở bán mà khách đã mua hơn 400 căn rồi anh. Bây giờ mình chỉ cần đặt cọc 100 triệu sau 7 ngày anh thanh toán 20% là được”.
Nhưng khi hỏi về pháp lý thì người này gãi đầu: “Dạ cái này tụi em không biết, chỉ có bộ phận pháp lý cầm thôi. Hiện tại dự án mình có sổ đỏ toàn khu, quy hoạch, giấy phép xây dựng đã có rồi mới mở bán, tuy nhiên công ty đang xin điều chỉnh một số hạng mục nên không công khai ra ngoài được”.
Để tạo niềm tin cho chúng tôi, người này tiếp lời: “Em sẽ gửi cho anh hợp đồng đặt cọc, phiếu xác nhận đặt cọc bên em ký với khách hàng cho anh xem. Hiện dự án đang ở giai đoạn 1 nếu mình mua bây giờ giá rất tốt và hiệu suất cao nhất luôn”.
Phải chăng với việc mở bán theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”, những “hợp đồng ma” được lách luật bởi các phiếu đặt cọc giữ chỗ hay phiếu đăng ký mua căn hộ... chủ đầu tư Phúc Khang Corporation đang cố “vẽ ra” các cách thức để nhận tiền từ khách hàng trái với quy định pháp luật?
Xung quanh dự án được rào bằng những tấm bảng quảng cáo.
Khách hàng có thể mất trắng?
Việc nhiều dự án cố tình lách luật để huy động vốn không phải là vấn đề mới. Khi dự án chưa đủ điều kiện pháp lý mở bán nhưng khách hàng vẫn đặt cọc giữ chỗ thì tính rủi ro rất cao.
Những điều luật về kinh doanh BĐS, tài sản hình thành trong tương lai đã quy định rõ ràng. Tuy nhiên, do chủ đầu tư muốn huy động vốn nhiều nhất, sớm nhất nên đôi khi "quên" những điều luật này. Khách hàng mà không tỉnh táo, thiếu hiểu biết thì hoàn toàn có thể nhận “trái đắng”.
Một chuyên gia BĐS cho biết, thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ về pháp lý không phải là hợp đồng mua bán, nhưng lại có cùng bản chất là huy động vốn từ chủ đầu tư. Vì vậy, có tình trạng lúc ký hợp đồng đặt cọc bên bán "vẽ" ra nhiều tiện ích, thiết kế căn hộ một đằng nhưng khi ký hợp đồng mua bán lại ra một nẻo.
Những khuyến cáo từ các chuyên gia BĐS cũng được đưa ra để khách hàng cân nhắc khi mua nhà ở hình thành trong tương lai. Theo đó, người mua nhà cần phải tìm hiểu các yếu tố như dự án đã được phép bán hay chưa?Ngân hàng nào đứng ra bảo lãnh vay? Hay chủ quyền đất đã hợp pháp?... Có như vậy mới đảm bảo được quyền lợi của mình về sau. Bởi trên thực tế có khá nhiều dự án "mời" được khách hàng bỏ tiền ra lấy “phiếu ưu tiên giữ chỗ”, “đặt cọc giữ chỗ”... nhưng nhiều năm sau dự án vẫn chẳng thấy động tĩnh gì.
Theo GĐ&PL