Thời gian gần đây, những nhạy cảm trong vấn đề sử dụng quỹ đất công đang được nhiều đơn vị báo chí, truyền thông khai thác, và trở thành vấn đề nóng trong lĩnh vực chính trị – xã hội. Bởi lẽ, song song với những kết quả đạt được như ban hành khá đồng bộ các quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc khó khăn của các địa phương, rà soát, lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2025 và kế hoạch sử dụng đất phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của nước ta. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất được các địa phương triển khai thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt, bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai...
Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua vào ngày 29/11/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Với mục đích triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chính phủ và Ủy Ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật đất đai theo thẩm quyền và triển khai thực hiện khá tốt nhiệm vụ quản lý của nhà nước về đất đai.
Hình ảnh hiện trạng khu đất Dự án năm 2003.
Tuy nhiên, qua gần 8 năm tổ chức và thi hành thì Luật Đất đai 2013 vẫn cho thấy còn tồn tại một số bất cập, đặc biệt là vấn đề giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh. Đã có một số trường hợp doanh nghiệp lợi dụng các kẽ hở này để trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.
Do đó, việc tăng cường thanh tra, rà soát việc thẩm định và phê duyệt các dự án cũng trở nên cấp thiết và được chú trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, song song với vấn đề đảm bảo tính công khai, minh bạch, việc tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và dự án đủ điều kiện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh cũng là rất cần thiết.
Ngày 27/5, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp ngày 19/5 xử lý sau thanh tra về kết quả kiểm tra, rà soát việc thực hiện, chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất tại dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước (dự án Đại Phước), tỉnh Đồng Nai.
Tại cuộc họp trên, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình kết luận UBND tỉnh Đồng Nai đã có nhiều cố gắng trong việc quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thực hiện một số dự án, khu đô thị, khu du lịch. Trong đó có triển khai xây dựng dự án Đại Phước tại cù lao Ông Cồn, huyện Nhơn Trạch do Tổng công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) thực hiện, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, sau khi Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra việc thực hiện kết luận sau thanh tra, qua rà soát việc triển khai thực hiện xây dựng dự án Đại Phước cho thấy còn nhiều tồn tại, vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, cục bộ.
Theo DIC Corp cho biết dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước với quy mô khoảng 464ha. Dự án này được đánh giá là một điểm sáng của tỉnh Đồng Nai trong việc phát triển kinh tế hạ tầng. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thì doanh nghiệp và các nhà đầu tư cấp 2 còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động, tạo chỗ ở ổn định cho khoảng 600 hộ dân thuộc diện bồi thường giải tỏa, đóng góp cho Ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng thông qua các loại thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất và các loại thuế, phí khác.
Trở lại thời điểm năm 2003, Cù lao Ông Cồn vốn là một ốc đảo hoang sơ, đất đai chủ yếu là đầm lầy ngập mặn, phủ quanh là dừa nước. Trên đảo không có đất công, chỉ có các hộ dân sinh sống bằng nghề chài lưới, cuộc sống mưu sinh rất khó khăn, phải kiếm ăn từng bữa. Khu vực này không có kết nối đường bộ với đất liền, chỉ có thể qua lại bằng ghe, bằng thuyền nên rất ít người lui tới.
Cầu Đại Phước.
Sau một thời gian khảo sát, doanh nghiệp đã tiến hành các thủ tục để xin phép đầu tư Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước tại đây với mục tiêu tạo ra một khu đô thị tầm cỡ, góp sức vào sự nghiệp phát triển nhà ở cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Để đảm bảo tuân thủ chủ trương của Nhà nước, trước khi thực hiện dự án, DIC Corp đã báo cáo và xin chỉ đạo của đơn vị chủ quản là Bộ Xây dựng. Sau khi được UBND tỉnh Đồng Nai và các Bộ, Ngành thẩm định, góp ý kiến, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép đầu tư Dự án tại Văn bản số 371/TTg-CN ngày 05/4/2005.
Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất và thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về đất đai. Do đó, song song với việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng chi trả đền bù và bố trí tái định cư thỏa đáng, DIC Corp cũng đã nộp tiền sử dụng đất đối với tất cả diện tích đất kinh doanh, y tế, giáo dục và được UBND tỉnh Đồng Nai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước.
Theo DIC Corp, toàn bộ tiền đền bù, tiền sử dụng đất và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính của Dự án (bao gồm Cầu Đại Phước) với giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng đều từ nội lực của doanh nghiệp và vốn huy động hợp pháp, không có nguồn gốc từ Ngân sách Nhà nước và đã được Bộ Tài chính xác nhận.
Về tiến độ, DIC Corp đã cơ bản hoàn thành tiến độ Dự án theo trách nhiệm của Chủ đầu tư cấp 1 và các nhà đầu tư cấp 2 cũng có rất nhiều cố gắng trong quá trình triển khai (mặc dù có nhiều thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu và Dịch Covid-19). Đến nay, DIC Corp và các nhà đầu tư cấp 2 đã đầu tư khoảng trên 20.000 tỷ đồng vào dự án, xét trên tổng thể thì dự án đạt tiến độ, việc thực hiện thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai và giãn tiến độ các dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Hình ảnh Dự án hiện nay.
Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai có Văn bản số 2927/UBND-KTN ngày 23/3/2021 về báo cáo rà soát Dự án khu Đô thị Du lịch Sinh thái Đại Phước theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Văn bản số 359/TB-VPCP ngày 18/9/2018, theo đó UBND tỉnh khẳng định việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất (đối với phần diện tích đã được cấp GCNQSDĐ) của DIC Corp vào các công ty liên doanh để thực hiện dự án cấp 2 cũng như quá trình triển khai các thủ tục đầu tư, đất đai và xây dựng là phù hợp theo quy định của pháp luật.
Hình ảnh Dự án hiện nay.
Cho tới nay đã gần 20 năm, DIC Corp và các nhà đầu tư cấp 2 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu ban đầu đề ra với Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước. Để làm được điều này, song song với nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, không thể không kể đến sự quan tâm, hỗ trợ của đơn vị chủ quản, các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành.
Hoàng Duy - Ngọc Hiếu - Pháp luật Plus