Tài sản 10 tỷ phú giàu nhất Việt Nam biến động chóng mặt

01/03/2020 09:52

Kinhte&Xahoi Chỉ trong tháng 2/2020, tài sản của một loạt các tỷ phú trên sàn chứng khoán sụt giảm chóng mặt, trong đó tài sản của người giàu nhất Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng giảm 18 nghìn tỷ đồng.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã khiến các chỉ số chứng khoán trên thế giới sụt giảm, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cảnh vắng khách hiếm thấy tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội thời điểm phòng chống dịch Covid-19

Kết thúc tháng 2/2020, ngoại trừ cổ phiếu VCS tăng 2,4% khiến tài sản của ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch HĐQT CTCP Vicostone, người giàu thứ 10 trên sàn chứng khoán Việt, tăng thêm gần 200 tỷ đồng, các tỷ phú còn lại trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt đều ngậm ngùi nhìn tài sản của mình nhanh chóng “bốc hơi”.

Trong đó, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm mạnh nhất với mức giảm 18 nghìn tỷ đồng so với đầu tháng. Hiện giá trị tài sản của ông Vượng đã giảm xuống còn 202 nghìn tỷ đồng khi cổ phiếu VIC giảm 9.400 đồng (8,19%) trong tháng 2.

Tương tự, hai cổ đông của Vingroup là bà Phạm Thu Hương và Phạm Thúy Hằng, những người lần lượt đứng thứ ba và thứ bảy trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán, cũng bị sụt giảm về giá trị cổ phiếu VIC.

Theo đó, tài sản của bà Hương giảm 1.400 tỷ đồng, còn 15.900 tỷ đồng, và tài sản của bà Hằng giảm 950 tỷ đồng, còn 10.630 tỷ đồng.

Nữ tỷ phú còn lại trong top 10, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch HDBank, CEO Vietjet Air – dù vẫn đứng vững ở vị trí thứ hai nhưng cũng đánh mất 1.649 tỷ đồng trong tháng Hai. Trong đó, giá cổ phiếu HDB tăng 3% đem lại cho bà Thảo gần 30 tỷ đồng, nhưng việc VJC liên tục giảm giá khiến khối tài sản của bà Thảo còn lại 25.650 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đã vươn lên trở thành người giàu thứ tư trên sàn chứng khoán Việt, nhưng không phải nhờ việc cổ phiếu HPG tăng giá mà bởi hai tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang mất vị trí xếp hạng trên do đà giảm của cổ phiếu MSN.
 
Theo đó, với mức giảm 7,2% trong tháng Hai, giá trị cổ phiếu HPG do ông Trần Đình Long nắm giữ còn lại 15.645 tỷ đồng, giảm 1.225 tỷ đồng so với đầu tháng.

Với bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank) và Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan Group), việc cổ phiếu TCB tăng giá 3% trong tháng Hai không đủ giúp cho túi tiền của người giàu thứ năm và thứ sáu trên sàn chứng khoán tăng thêm, bởi mức giảm 2,91% của MSN khiến cho giá trị tài sản của hai người lần lượt giảm 246 và 271 tỷ đồng.

Hiện tổng giá trị tài sản của ông Hồ Hùng Anh là 12.992 tỷ đồng và tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang là 12.566 tỷ đồng.

Người còn lại trong top 10 là ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Novaland – cũng phải ghi nhận mức sụt giảm 305 tỷ đồng trong tháng qua, còn 10.212 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Trịnh Văn Quyết sau khi bán bớt cổ phần tại FLC Faros cùng với việc giá cổ phiếu FLC và ROS liên tục suy giảm nên đã rớt xuống vị trí 29 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Kết thúc tháng Hai, cổ phiếu FLC giảm 4% còn 3.760 đồng/cp, ROS giảm 2,6% còn 7.260 đồng/cp. Do đó tổng tài sản của Chủ tịch Tập đoàn FLC giảm 636 tỷ đồng, còn lại 2.679 tỷ đồng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giật mình giá nhà ở xã hội gần 20 triệu đồng/m2

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội thông báo dự án nhà ở xã hội tại Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) với mức giá 19,5 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm phí bảo trì). Mức giá cao nhất các nhà ở xã hội và cao hơn cả nhà thương mại nhiều khu vực.

Theo Infonet/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/tai-san-10-ty-phu-giau-nhat-viet-nam-bien-dong-chong-mat-d118375.html