Thanh Hoá trước cơ hội bứt phá chưa từng có với “tứ Sơn”
Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu tổng quát, xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước – tạo cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây được xem là cơ hội “ngàn năm có một” của tỉnh Thanh Hóa, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và kỳ vọng lớn lao về một Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Nắm bắt thời cơ, Thanh Hóa đang dồn lực đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hàng loạt tuyến đường trọng điểm đã được đưa vào vận hành như: đoạn từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông - Tây 4 đi cảng Nghi Sơn; đường giao thông nối TP Sầm Sơn với khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1) hay đại lộ Đông - Tây thành phố Thanh Hóa, đoạn từ thị trấn Rừng Thông đến Quốc lộ 1A... giúp kết nối vùng miền, đảm bảo hoạt động kinh tế thông suốt.
Sự chuyển mình của Thanh Hóa có thể thấy rõ qua sự phát triển mạnh mẽ của "tứ Sơn" (Lam Sơn, Nghi Sơn, Sầm Sơn và Bỉm Sơn), trong đó, thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân) với lợi thế trung tâm vùng kinh tế phía Tây tỉnh Thanh Hóa đang dần hình thành trung tâm công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao, gắn với Cảng Hàng không Thọ Xuân đã được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế và sắp tới tiếp tục đầu tư trở thành "thành phố sân bay", đây chính là động lực giúp xoay chuyển cục diện phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh với những khu vực khác.
Cảng hàng không Quốc tế Thọ Xuân.
Ngoài ra, Thanh Hóa còn tập trung đầu tư cảng cạn và trung tâm logistics, khi các hệ thống này chính thức đi vào vận hành sẽ là đầu mối tổ chức vận tải hàng hóa bằng container gắn liền với hoạt động của cảng Nghi Sơn, Cảng hàng không quốc tế Sao Vàng, cửa khẩu đường bộ… góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phát triển kinh tế của tỉnh.
Sầm Sơn với lợi thế thu hút du lịch khi nằm ở trung điểm của hai địa phương du lịch trọng yếu là Hải Phòng và Đà Nẵng, khi dịch bệnh được kiểm soát, nơi đây sẽ trở thành thị trường du lịch sôi động bậc nhất cả nước, kéo theo sự phát triển của bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng. Không chỉ vậy, được mệnh danh là “thủ phủ công nghiệp”, Bỉm Sơn còn được đánh giá là điểm đến tiềm năng của bất động sản phụ trợ khu công nghiệp.
Đón sóng đầu tư, bất động sản Lam Sơn – Thọ Xuân “bứt tốc”
Là vùng đất "địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng cùng hạ tầng giao thông đồng bộ, Lam Sơn – Thọ Xuân sở hữu nhiều tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần thay đổi bộ mặt cho toàn tỉnh Thanh Hóa.
Quy hoạch xây dựng vùng của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070 tại Quyết định số 2539/QĐ-UBND do UBND tỉnh ban hành tháng 6/2019 đã định hướng đến năm 2030 thành lập thành phố Thọ Xuân. Trong đó, lấy Lam Sơn – Sao Vàng thành trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Tây của tỉnh với các chức năng phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị và dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và là các đầu mối hạ tầng kỹ thuật quan trọng như giao thông đường bộ, cảng hàng không.
Biến tiềm năng, thế mạnh thành động lực phát triển, tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn đã sớm được triển khai. Tuyến đường này đóng vai trò quan trọng trong kết nối vùng Lam Sơn – Sao Vàng với khu kinh tế động lực Nghi Sơn đang phát triển năng động bậc nhất cả nước, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực dọc theo tuyến đường và lan tỏa đến các khu vực xung quanh.
Thừa hưởng nhiều lợi thế vàng, các chuyên gia dự báo thị trường bất động sản Lam Sơn - Thọ Xuân sẽ trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền đầu tư bởi tiềm năng và dư địa của vùng đất này.
Trên thực tế, thị trường bất động sản Thanh Hoá đã và đang ghi nhận những đợt “sóng ngầm” đổ về Thọ Xuân. Theo khảo sát, mặt bằng bất động sản Lam Sơn - Thọ Xuân đang đón đợt sóng ngầm trong những tháng cuối năm 2021 và dự đoán có thể tạo nên cơn sốt trong thời gian tới. Cụ thể, khu vực Bái Thượng mặt đường chính có giá khoảng 38 triệu/m2, mặt đường phụ giá dao động từ 15-18 triệu đồng/m2, kế đó, khu vực Mục Sơn mặt đường chính giá dao động từ 35 đến 38 triệu đồng/m2, mặt đường phụ khoảng 18 triệu đồng /m2. Đặc biệt, khu vực Thị trấn Thường Xuân mặt đường chính có giá lên đến 40 triệu đồng/m2.
Nhà mặt phố khu vực Bái Thượng giá khoảng 38 triệu/1m2.
Mặt phố Khu vực Mục Sơn có giá dao động từ 35-38 triệu/m2.
Khu vực Thị trấn Thường Xuân có giá lên tới 40 triệu/m2
Đây chính là tín hiệu cho thấy làn sóng đầu tư bất động sản đang dịch chuyển, hướng về Lam Sơn – Thọ Xuân. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng giao thông phát triển cùng chính sách hỗ trợ đầu tư được đẩy mạnh sẽ đánh thức thị trường bất động sản nơi đây và đưa Lam Sơn – Thọ Xuân phát triển vươn xa trong tương lai.
Thanh Bình - Pháp luật Plus