Thắp sáng khát vọng sự nghiệp “trồng người”

21/11/2020 10:01

Kinhte&Xahoi Đã từ lâu, Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tạc sâu trong trí nghĩ nhiều thế hệ đó là cái nôi của ngành giáo dục. Và, nhà giáo, GS.TSKH Bùi Mạnh Nhi được ví như người thắp lửa cho những giấc mơ tận hiến trong nghiệp trồng người suốt nhiều thập niên.

“Văn học là nhân học”, hằn in trong ký ức của nhiều thế hệ học trò, thầy Bùi Mạnh Nhị ở vị trí nào cũng toát lên phong thái của một trí thức lớn, một nhà sư phạm chỉnh chu nhưng uyên bác. Trách nhiệm công dân, trách nhiệm với đất nước để đào tạo ra những người thầy luôn đặt ở vị trí cao nhất, thiêng liêng nhất để luôn nhắn nhủ đến các thế hệ học trò những lời như rút từ đáy sâu gan ruột của mình, rằng: Hãy thấy vinh quang với nghề làm thầy, nghề phấn trắng bảng đen.

Thầy Bùi Mạnh Nhị trong một sự kiện

Với vai trò là nhà giáo dục môn Ngữ Văn, suốt nhiều năm dòng, thầy Nhị đã thổi vào tâm hồn hàng ngàn sinh viên tình yêu văn chương chân chính nhất. Ngày giảng dạy trên giảng đường, tối lại về say mê nghiên cứu, đọc và ngẫm suy về những cuốn sách, công trình chuyên chở bao ý niệm và khát vọng từ cuộc sống do chính thầy Nhị cất công biên soạn nên hoặc viết.

Tiêu biểu như: Sen Tháp Mười (Ca dao miền Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh) - Bùi Mạnh Nhị; Một số đặc điểm nghệ thuật của ca dao - dân ca Nam Bộ; Bác Hồ trong thơ ca dân gian miền Nam, in trong cuốn “Bác Hồ với miền Nam, miền Nam với Bác Hồ”; Tiếp cận văn học dân gian địa phương từ đặc trưng của văn học dân gian; Truyện Trạng Ba Phi - một hiện tượng văn học dân gian độc đáo…và mới đây nhất trên Báo Văn Nghệ, số ra vào ngày 28/8/2020 là bài nghiên cứu Truyện Kiều trong diễn văn của các đời Tổng thống Mỹ.

Trong mỗi tác phẩm, mỗi bài giảng, tính trí tuệ, mô phạm, sự lao động học thuật của thầy Nhị như mạch nguồn mát trong thẩm thấu vào người tiếp nhận. Hiếm có những chuyên đề, bài giảng nào mà không cuốn hút được những người thầy trong tương lai.

Thầy Bùi Mạnh Nhị với các giáo viên Ngữ Văn, cựu sinh viên khoa Ngữ Văn khóa 1998-2000 năm 2018 đến thăm thầy tại nhà riêng

Trong tâm thức bao thế hệ, từ thầy Nhị lan tỏa ra, niềm tự hào nghề giáo quấn quyện cùng khát vọng giữ gìn những giá trị cốt lõi, tốt đẹp liên quan đến chuyên ngành ngữ văn để còn trao truyền cho các thế hệ sau, dẫu nhọc nhằn. Vậy nên, ở những tác phẩm như “Bác Hồ trong thơ ca dân gian miền Nam”; “Sen Tháp Mười”…mỗi câu chữ thầy Nhịn viết ra, sưu tầm nên cũng như cũng có linh hồn, linh hồn trong tâm tưởng, trong trái tim người viết, người tiếp cận.

Nhiều thế hệ sinh viên, khi bước chân vào trường cứ ngỡ rằng học lấy một cái nghề nhưng được nghe thầy Nhị giảng, đọc sách thầy Nhị viết mới thấu hiểu cặn kẽ tiếng Việt đẹp chỗ nào, sâu sắc chỗ nào, hay chỗ nào và vì sao người ta ví văn là người, dạy văn là trồng người. Cùng với thầy Nhị, nhiều tên tuổi kỳ cựu khác đã làm nên những giá trị to lớn ở Khoa Ngữ văn là thầy Lê Trí Viễn, Cù Đình Tú, Nguyễn Nguyên Trứ, Trần Hữu Tá, Trần Xuân Đề, Lê Ngọc Trà...

Ấn tượng không phai với thầy Nhị còn là, dù ở vai trò giảng viên hay quản lý, lãnh đạo nhà trường ông vẫn dành trọn tình yêu thương, sự quan tâm cho học trò của mình. Điều ấy như liều thuốc tinh thần giữ thăng bằng, tiếp thêm sức mạnh giúp học trò vượt lên, trinh phục mọi gian khó thường nhật.

Hơn 40 năm hình thành, phát triển, Khoa Ngữ văn đã thực sự trở thành mái ấm ươm mầm khát vọng cho nhiều thế hệ sinh viên mà thầy Nhị là một hạt nhân quan trọng. Thầy đã vun vén, kiến tạo nên các phương pháp tiếp cận ngữ văn hiệu quả nhất để mỗi sinh viên đều thức dậy niềm tự hào và tình yêu vô hạn đối với tiếng mẹ đẻ-tiếng Việt.

Cuộn sâu vào khát vọng chuyển tải các kiến thức một cách hiệu quả, ở nhiều bài giảng hay tác phẩm của thầy Nhị người đọc, người nghe còn thấy rõ, hình ảnh quê hương, vùng miền của Tổ quốc với những xóm nhỏ. Bao điều thân thuộc chất chứa yêu thương, gần gụi và tự hào định hình và hun đúc nên tình yêu Tổ quốc bao thế hệ thông qua chính những những con chữ.

Đặc biệt, nhiều cuốn sách do thầy Nhị chủ biên như nguồn tư liệu quý, tồn tại với thời gian. Điển hình như cuốn Văn Học Dân Gian Những Công Trình Nhiên Cứu( NXB Giáo dục 1999)- Bùi Mạnh Nhị Chủ biên. Cuốn sách chon lọc, tập hợp rất nhiều tinh hoa về những vấn đề lý luận chung, cũng như những về những vấn đề cụ thể của từng thể loại, đề tài, tác phẩm, nhân vật, cách tiếp cận, cách tiếp cận Văn học dân gian Việt Nam...

Thầy Bùi Mạnh Nhị và vợ cùng với thầy giáo Nguyễn Văn Cải - Hiệu phó Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi, Thành Phố Hồ Chí Minh trong một lần đến thăm thầy

“Như cánh chim không mỏi” trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học, sau nhiều năm giảng dạy, quản lý và làm Hiệu trường Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, thầy Bùi Mạnh Nhị tiếp tục được bổ nhiệm là Vụ Trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) rồi làm Chánh Văn phòng Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước. Nhiều tác phẩm, công trình có giá trị sâu sắc của thầy như: Sen Tháp Mười (Ca dao miền Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh); Nỗi oan hại chồng trong vở chèo Quan Âm Thị Kính, in trong Giảng văn tập 2, Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh; Suy nghĩ về việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian ở đồng bằng sông Cửu Long, in trong “Mấy đặc điểm văn hóa đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ Văn hóa; Truyện Trạng Ba Phi - một hiện tượng văn học dân gian độc đáo.

Giờ đây ở cái tuổi trên 70, tuy sức khỏe đã giảm sút do phải chiến đấu với bệnh tật nhưng trong trái tim của thầy lúc nào cũng mang trong mình một sự nhiệt huyết và say đắm với nghề mà thầy đã chọn, thầy đã dành cả tuổi thanh xuân để học hỏi, nghiên cứu và cống hiến, nhìn lớp lớp học trò nối tiếp nhau giảng dạy tốt, say mê cống hiến thầy vui lắm. Những bài học, bài nghiên cứu của thầy luôn vận dụng đậm nét quan điểm của chủ nghĩa Mác-xít trong Văn học Việt Nam.

Các thầy cô, giảng viên Khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh chụp hình lưu niệm nhân ngày 20/11

Chúng tôi, những sinh viên cũ của trường hiện nay đã vững bước trên con đường giảng dạy và đang tiếp bước những thế hệ đi trước trong lĩnh vực trồng người, đến thăm thầy với mong ước thầy luôn khỏe mạnh, thầy luôn là động lực cho chúng tôi đam mê với nghề dạy học. Sau mỗi lần đến thăm thầy và ra về mỗi sinh viên cũ của thầy lại ấm lòng hơn với những bài học nhân sinh sâu sắc mà thầy chia sẻ.

 Ngọc Anh - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dự án bất động sản 27 năm bất động

Trong khi 3 dự án Sài Gòn Centre I, II, III đã hoàn thành đi vào hoạt động, thì 2 dự án Sài Gòn Centre IV, V được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) từ 1993 nhưng sau 27 năm vẫn nằm “bất động”.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/thap-sang-khat-vong-su-nghiep-trong-nguoi-d141118.html