Tháp tài chính Quốc tế IFT ‘ngủ đông’, SCIC bao giờ thu hồi vốn?
Kinhte&Xahoi
Gần 200 tỷ đồng của SCIC góp vốn để thực hiện dự án Tháp tài chính Quốc tế IFT từ năm 2007, thế nhưng, hơn 11 năm trôi qua, đây vẫn chỉ là bãi đất trống để cỏ mọc dại. Không biết đến khi nào SCIC mới có thể thu hồi vốn?
Lô đất vàng 13.000 m2 số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy được TP Hà Nội giao cho Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở (Tháp tài chính Quốc tế IFT). Ngày 29/12/2005, UBND TP Hà Nội có quyết định 8506/QĐ-UB phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao khu đất này.
Lô đất vàng hơn 13.000m2 số 220 Trần Duy Hưng bị bỏ hoang nhiều năm qua.
Được biết, Tháp Tài chính Quốc tế có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Theo giới thiệu, Tháp tài chính Quốc tế là một tòa nhà văn phòng hạng A, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế hiện đại với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại.
Năm 2007, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ hợp tác đầu tư để thực hiện dự án Tháp tài chính Quốc tế IFT. Theo đó, mỗi bên góp 50% vốn thực hiện dự án, và SCIC đã đầu tư 199 tỷ đồng.
Năm 2009, Công ty TNHH Bảo Việt - SCIC và nay là Công ty Cổ phần đầu tư SCIC – Bảo Việt được thành lập với vốn điều lệ 140 tỷ đồng, theo đó vốn của Bảo Việt nhân thọ là 30%, vốn của Công ty Bảo hiểm Bảo Việt là 20%, vốn của SCIC là 50%. Tức là vốn của Tập đoàn Bảo Việt 50% và SCIC là 50%.
Nhiều năm qua, dự án chưa triển khai, song SCIC đã đầu tư 199 tỷ đồng vào dự án và chưa biết ngày có thể thu hồi. Trong khi đó, đối tác là Tập đoàn Bảo Việt đầu năm 2017 mới góp hơn 76 tỷ đồng, đến cuối năm con số còn lại là 70 tỷ đồng. Còn theo Báo cáo tài chính Quý III/2018 của Bảo Việt không thể hiện con số đã đầu tư vào Công ty Cổ phần đầu tư SCIC – Bảo Việt.
Theo báo cáo của SCIC về nguyên nhân dự án chậm triển khai, là do tỷ lệ góp vốn mỗi bên 50-50, nên không bên nào có quyền quyết định. Ngoài ra do tình hình bất động sản trầm lắng, do các bên trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chiều cao dự án, để đảm bảo yếu tố hiệu quả đầu tư.
Mới đây, thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát trước khi thực hiện việc xem xét hủy các dự án giao đất quá 3 năm nhưng chưa thực hiện.
Trong khi đó, TP Hà Nội đã thu hồi nhiều dự án chậm triển khai và đang tiếp tục thực hiện. Liệu, dự án Tháp tài chính Quốc tế IFT có nằm trong danh mục?
Theo Nhadautu/KD&PL