TP Hồ Chí Minh: Sẵn sàng tăng lượng hàng hóa gấp 3 lần để phục vụ Tết

15/12/2023 08:11

Kinhte&Xahoi Toàn hệ thống bán lẻ hiện đại tại thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng phương án tăng lượng hàng hóa từ gấp 2 - 3 lần phục vụ người tiêu dùng dịp Tết sắp tới.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Co.opmart (quận 7).

Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho hay tại buổi họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức chiều 14-12.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, hiện sức mua nội địa trên địa bàn thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Tính đến hết tháng 11-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố ước đạt 1.081.301 tỷ đồng, tăng 9,2% so với

Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương thông tin tại họp báo.

Về tình hình giá cả, thị trường, năm 2023 là năm đầu tiên thành phố triển khai chương trình bình ổn thị trường theo quy chế mới. Theo đó, doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đồng thuận, đồng hành và tuân thủ nghiêm các quy định của chương trình, góp phần ổn định giá cả, không để xảy ra tình huống khan hàng, thiếu hụt nguồn cung cục bộ gây sốt giá.

Tại 3 chợ đầu mối lớn và 221 chợ truyền thống, lượng nông sản cung ứng thị trường tại thành phố đạt bình quân 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm, 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày.

Đối với hệ thống bán lẻ hiện đại, hiện trên địa bàn thành phố có 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết. Hệ thống bán lẻ “hùng hậu” này sẵn sàng phương án tăng lượng hàng hóa từ 2 - 3 lần so với ngày thường phục vụ Tết; đồng thời có phương án kéo giãn thời gian hoạt động để đảm bảo nhu cầu mua sắm tăng đột biến của người tiêu dùng.

Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước Tết và một tháng sau Tết; đồng thời, thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết Nguyên đán đối với các mặt hàng như: Thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...

Năm 2023 là năm cao điểm thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh liên kết vùng với 38 tỉnh, thành thuộc 5 vùng kinh tế trên cả nước. Đây là hoạt động kết nối hai chiều, không chỉ hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, mà còn bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng thành phố, đưa đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng thành phố, nhất là các dịp lễ, Tết.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tiến Đạt thông tin tại họp báo.

Tại họp báo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tiến Đạt cho biết, dịp trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024, cơ quan này sẽ đẩy mạnh các đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thực phẩm, phân bón, xăng dầu, đồ điện gia dụng, hàng tiêu dùng.

Thúy Nhi - Nguyễn Lê - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sớm làm rõ các vướng mắc tại Khu đô thị Goldmark City

Liên tiếp từ tháng 7-2023 đến nay, tại Khu đô thị Goldmark City (số 136 phố Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm), Công ty TNPM - đơn vị được giao thực hiện dịch vụ trông giữ xe ô tô tại các tòa chung cư khu Ruby, chặn xe ô tô của cư dân đang gửi dưới tầng hầm dù đã nộp phí trông giữ xe đúng quy định.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/tp-ho-chi-minh-san-sang-tang-luong-hang-hoa-gap-3-lan-de-phuc-vu-tet-652961.html