Chiều 28/6, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, vào ngày 27/6, ông Lê Tuấn Phong - Chủ tịch UBND tỉnh này đã ký công văn gởi thủ trưởng các sở, cơ quan ngang sở, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh; Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kiểm tra, rà soát văn bằng, chứng chỉ của cán bộ, công chức, viên chức.
Qua báo cáo của Công an tỉnh, đối tượng mua và sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ giả chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức với mục đích bổ sung, hoàn thiện hồ sơ cán bộ, quy hoạch, bổ nhiệm, thi nâng ngạch, cử đi đào tạo sau đại học, tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Chứng chỉ, văn bằng giả chuẩn bị chuyển đi bị Công an Bình Thuận phối hợp với Công an Hưng Yên phát hiện bắt giữ tại TP. Phan Thiết ( Ảnh: P.Đ)
Vì vậy để chủ động phòng ngừa, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trong cơ quan Nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, cơ quan ngang sở, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai tự rà soát, kiểm tra văn bằng, chứng chỉ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý.
Sẻ kiểm tra tất cả các loại văn bằng, chứng chỉ kiểm tra gồm: bằng đào tạo chuyên môn; chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; chứng chỉ quản lý Nhà nước; chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Sau kiểm tra phải tổng hợp, báo cáo kết quả tự rà soát, kiểm tra về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) chậm nhất ngày 29/7.
Chủ tịch UBND tỉnh Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ kiểm tra, rà soát văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận của cán bộ, công chức, viên chức.
Tổng hợp, báo cáo kết quả tự rà soát, kiểm tra của các cơ quan, đơn vị, địa phương và Tổ kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh xem xét, xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.
Ngọc Anh - Pháp luật Plus