Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an đã cho biết như vậy tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 3/1/2023.
Tại buổi họp báo, phóng viên báo chí đặt vấn đề về việc gần đây công an cả nước đã liên tiếp điều tra các sai phạm trong đăng kiểm, nhất là các tỉnh ở phía Nam và hàng chục người đã bị khởi tố do liên quan đến đường dây nhận tiền lót tay để bỏ qua những sai phạm, lỗi của ô tô.
Liên quan đến vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, mấy tuần vừa qua, Công an TP HCM cùng một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh làm rõ nhiều hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường tại một số trung tâm kiểm định các phương tiện giao thông cơ giới trên địa bàn TP HCM, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Phan Rang...
Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an
Theo ông Xô, riêng Công an TP HCM đã ra lệnh khám xét 12 trung tâm kiểm định, khởi tố 6 vụ án với 43 bị can cho các tội danh nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác.
Đại diện Bộ Công an cho biết, các trung tâm kiểm định này bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra hoặc cho thuê phụ tùng thay thế, các phụ tùng không đảm bảo quy chuẩn.
"Xe vào kiểm định lốp mòn quá thì thay lốp, thay thành thùng, thay một số bộ phận khác, chỉ nộp tiền xong là đảm bảo tiêu chuẩn. Họ còn sử dụng phần mềm để can thiệp vào hệ thống đăng kiểm thay đổi các thông số kiểm định và tính chất vi phạm. Ví dụ, trong máy tính có hai đầu đọc thì chỉ cắm một đầu, còn bỏ một đầu, như vậy xe vẫn đạt tiêu chuẩn", Trung tướng Tô Ân Xô nói.
Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô, sơ bộ ước tính có khoảng hơn 70.000 phương tiện cơ giới đã được kiểm định phạm luật như thế này. Các trung tâm kiểm định này đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường và thu lợi hàng chục tỷ đồng.
Mặt khác, một số trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn thành lập, lập danh sách kiểm định viên ảo để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ xe cơ giới.
"Quy định phải có 3 kiểm định viên thì họ không có ai, thậm chí có giám đốc một trung tâm kiểm định không biết chữ, không đọc được. Hỏi ra thì khai mới học hết lớp 3 cách đây 50 năm. Đó là Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-17D Nhà Bè", người phát ngôn Bộ Công an nói.
Đại diện Bộ Công an cho biết, những hành vi như trên làm cho việc giám sát chất lượng, số lượng phương tiện an toàn giao thông bảo vệ môi trường bị ảnh hưởng; Xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước; Xâm phạm đến trật tự quản lý công cộng; Gây thiệt hại tài sản cho người dân; Gây dư luận xấu cho xã hội; Gây nguy cơ mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân.
"Chúng tôi coi những hành vi trên là những "virus Việt Á" trong lĩnh vực kiểm định phương tiện giao thông và Bộ Công an đang tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn virus này trên phạm vi toàn quốc. Số bị can chắc sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới", Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 29/12/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố 14 cán bộ của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ 99-03D với cáo buộc nhận hối lộ hơn 6,5 tỷ đồng trong 3 năm. Kết quả điều tra ban đầu xác định, trung tâm đăng kiểm trên ở thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ bị nhiều ý kiến phản ánh là sách nhiễu, gây khó khăn, gợi ý, nhận tiền "bôi trơn" với nhiều chủ phương tiện.
Sau đó một ngày, tại TP HCM, Công an quận Bình Tân cho biết cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam với Trần Bửu Tùng (Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-19D), Nguyễn Huỳnh Phong (Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-19D), cùng các đăng kiểm viên Nguyễn Quỳnh Tuân, Nguyễn Văn Cường, Trần Minh Hiếu về tội "Nhận hối lộ" và Nguyễn Tấn Thành về tội "Đưa hối lộ".
Hậu Lộc - TTTĐ