Nhiều trường tốp đầu bỏ xét học bạ
Theo thông tin công bố, năm 2025, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024, gồm: xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT (15%, giảm 3% so với năm 2024).
Năm 2025, nhiều trường dự kiến bỏ phương thức xét tuyển học bạ.
Từ năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ. Theo đại diện nhà trường, nhiều năm qua, hầu hết học sinh giỏi ở các trường chuyên (nhóm đủ điều kiện xét tuyển bằng học bạ vào trường) đều có đủ điều kiện xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng. Vì vậy, việc bỏ xét học bạ sẽ làm giảm tỉ lệ ảo do một thí sinh có thể dùng nhiều phương thức.
Với Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2025, nhà trường vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng; xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhiều năm nay, trường này không xét tuyển bằng kết quả học bạ.
Một trong những trường thuộc tốp đầu chưa công bố phương án tuyển sinh năm 2025 nhưng khả năng cao không xét tuyển bằng học bạ, đó là Trường Đại học Y Hà Nội. Năm trước, trường sử dụng 3 phương thức: xét tuyển thẳng; xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT (tổ hợp B00, D01, C00); xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Trước đây, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh sử dụng điểm học bạ để xét tuyển như một phương thức độc lập (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt (30 - 40% chỉ tiêu). Tuy nhiên từ năm 2025, trường dự kiến không sử dụng kết quả học bạ ở cả 2 phương thức này.
Lý do khiến nhiều trường quyết định không xét tuyển học bạ là bởi lo ngại điểm học bạ của các trường cấp 3 không đều nhau, có khoảng cách chênh lệch lớn dẫn đến việc không đảm bảo công bằng trong xét tuyển đầu vào. Hơn nữa, từ năm 2025, thí sinh học và thi theo chương trình mới nên mỗi em sẽ lựa chọn và có điểm học bạ ở những tổ hợp khác nhau.
Theo nhiều thầy cô giáo THPT, việc bỏ hẳn phương thức xét tuyển học bạ ít nhiều ảnh hưởng không tốt đến ý thức và kết quả học của học sinh vì khi không xét học bạ, các em sẽ không quan tâm đến chương trình chính khóa trên lớp mà chủ yếu tập trung vào môn thi tốt nghiệp hoặc môn thi phục vụ các kỳ thi riêng.
“Có thể xét tuyển kết hợp giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm học bạ và các tiêu chí khác; trong đó quy định điểm học bạ chiếm khoảng 20% tổng điểm xét tuyển. Có như vậy mới giúp khích lệ tinh thần học tập của học sinh THPT”, cô Nguyễn Ngọc Linh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi, quận Ba Đình nêu quan điểm.
Đề xuất công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm sau 31/5
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, các cơ sở đào tạo hiện sử dụng hơn 20 phương thức xét tuyển, chủ yếu là xét tuyển sớm (xét học bạ, chứng chỉ quốc tế...). Mỗi năm, khoảng 50% trong hơn 600.000 thí sinh vào đại học bằng cách này.
Nhiều trường công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm từ tháng 3, 4, thậm chí từ tháng 1. Căn cứ xét thường là điểm học bạ 3 - 5 học kỳ, không có kỳ II lớp 12 do học sinh chưa kết thúc năm học.
Năm 2024 về trước, không ít cơ sở đào tạo công bố điểm trúng tuyển xét tuyển sớm từ tháng 1.
Tại Hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 - 2024 vừa diễn ra, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Huỳnh Văn Chương đề xuất không cho các trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm trước ngày 31/5 - thời điểm kết thúc năm học.
Ông Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng đồng tình với đề xuất trên và cho rằng, các trường chỉ bớt chút lợi thế trong việc thu hút thí sinh sớm; trong khi đó, tác động tích cực mà quy định này mang đến rất lớn, tạo sự công bằng cho thí sinh và giữa các trường đại học.
“Việc không tính điểm học kỳ II lớp 12 chưa phản ánh đầy đủ khả năng của học sinh vì những kiến thức quan trọng ở bậc THPT hầu hết rơi vào năm cuối cấp. Thêm nữa, biết trúng tuyển sớm trước khi kết thúc năm học vài tháng, nhiều học sinh có thái độ chủ quan, lơ là học tập”, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trung Nhân chia sẻ.
Trong khi đó, không ít lãnh đạo trường đại học phản đối đề xuất trên, lý do bởi, Luật Giáo dục đại học cho phép đại học tự chủ tuyển sinh; nếu các trường không được công bố điểm chuẩn trước 31/5 thì không gọi là xét tuyển sớm nữa và xem như các phương thức xét tuyển sớm bị triệt tiêu, gây khó khăn cho các trường phụ thuộc vào nguồn thí sinh từ xét tuyển sớm.
Đại diện một trường đại học tư thục tại TP Hồ Chí Minh cho rằng: nếu công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm sau 31/5 thì về lý thuyết, thí sinh và chỉ tiêu vẫn còn nguyên nhưng cả người học và trường sẽ bị động. Những học sinh sớm xác định ngành, trường yêu thích và đủ điều kiện trúng tuyển phải thấp thỏm chờ đến tháng 6 để biết đỗ hay trượt.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Anh thấy rằng, công bố điểm xét tuyển sớm sau 31/5, người chịu thiệt thòi nhất sẽ là thí sinh. Theo ông Nguyễn Quốc Anh, biết đỗ sớm phần nào giúp các em yên tâm hơn, tạo tâm lý thoải mái trước kỳ thi tốt nghiệp.
Trong khi đó, bà Cao Thị Quỳnh, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường Đại học Đại Nam nhìn nhận: xét tuyển sớm giúp học sinh chủ động chọn môn có kết quả tốt nhất để đăng ký, từ đó tăng cơ hội đỗ ngành yêu thích. Việc không công bố điểm chuẩn sớm ảnh hưởng trực tiếp tới phụ huynh và thí sinh. Ngoài ra, việc này còn ảnh hưởng tới tiến độ tuyển sinh, khiến các trường bị giảm tính tự chủ, giảm sự đa dạng về thí sinh, tăng áp lực khi xử lý lượng lớn hồ sơ cùng một lúc.
Thời điểm hiện tại, các thí sinh, phụ huynh, nhà trường vẫn chờ đợi Bộ GD&ĐT ban hành phương án tuyển sinh đại học từ năm 2025. Trước nhiều quan điểm trái chiều, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu và xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng. Bộ cũng nhấn mạnh, mặc dù cho phép các trường tự chủ trong tuyển sinh nhưng vẫn phải trong khuôn khổ. Sắp tới, Bộ sẽ có những điều chỉnh để bảo đảm tính ổn định, hợp lý trong công tác tuyển sinh.
kinhtedothi.vn