Cân nhắc tính hiệu quả khi vay tiền ngân hàng 'đảo nợ'
Kinhte&Xahoi
Việc các ngân hàng cho khách hàng vay để trả nợ ở ngân hàng khác có thể tạo cạnh tranh, là cơ hội cho khách hàng cơ cấu lại nợ với lãi suất vay thấp hơn. Tuy nhiên, việc vay tiền “đảo nợ” tiềm ẩn không ít rủi ro cần phải cân nhắc tính hiệu quả.
Vietcombank - Ngân hàng tiên phong cho vay để trả nợ. (Nguồn ảnh: TTXVN)
“Cuộc đua” cho vay trả nợ
Sau khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng (NH) nước ngoài đối với khách hàng có hiệu lực (từ 1/9/2023), Vietcombank là NH đầu tiên thông báo triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại NH khác với lãi suất cho vay từ 6,9%/năm. Khách hàng được vay vốn lên đến 30 năm với số tiền vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc của khoản vay tại NH đang vay. Khách hàng được ân hạn trả nợ gốc tối đa lên đến 24 tháng và phù hợp với quy định của Vietcombank.
Ở thời điểm hiện tại, Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu, hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu, hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Vietcombank cho biết sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.
Sau Vietcombank, BIVD cũng thông tin về việc cho vay để trả nợ NH khác đối với khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng với lãi suất chỉ từ 6%/năm hoặc chỉ từ 6,8%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn từ 12 tháng trở lên. BIDVcam kết mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại và phù hợp chi phí thanh toán tiếp theo của phương án vay đối với khoản vay tại NH khác, thời gian ân hạn gốc lên đến 24 tháng và không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay, thời hạn vay đến 30 năm và không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại NH khác.
Vietinbank cũng vừa thông tin việc NH đang triển khai cho vay để trả nợ NH khác, nhưng với mức lãi suất cực kỳ hấp dẫn. Cụ thể, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân chỉ từ 5,6% (vay sản xuất kinh doanh) và chỉ từ 7,5%/năm (đối với vay tiêu dùng), mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại NH khác, ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng, thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại NH khác…
Tương tự, Techcombank cũng tham gia “cuộc chơi” cho vay trả nợ với lãi suất từ 7,3%/năm, ân hạn gốc 24 tháng. MB thì triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ NH khác với lãi suất 8%/năm cố định trong 12 tháng, khách hàng không phải trả nợ gốc trong vòng 12 tháng, thời gian vay lên đến 300 tháng và chứng minh nguồn tài trợ một cách linh hoạt, thông qua tài sản tích lũy… ACB cũng áp dụng chính sách cho khách hàng vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay mua bất động sản tại NH khác với mức lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng vay mua bất động sản năm đầu tiên là 8%/năm.
Tiềm ẩn rủi ro?
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVICO cho rằng việc các NH cho khách vay để trả nợ NH khác “không giải quyết được việc gì” mà tiềm ẩn rủi ro, cả về phía NH và khách hàng.
Theo Luật sư, các NH có thể chủ động hơn, cạnh tranh hơn nhưng tổng dư nợ vẫn thế. “Thậm chí cạnh tranh không lành mạnh ở chỗ không thể có NH lại đưa ra mức lãi suất dưới lãi suất huy động, làm cho khách hàng tưởng thật…” - Luật sư Đức nói. Cũng theo ông Đức “nói là vay, nhưng làm sao vay được”, vì về lý, khách hàng phải trả nợ NH này rồi mới vay NH khác, chứ không có chuyện có dư nợ bên kia, bên này lại cho vay.
Về lãi suất cho vay, theo Luật sư, vấn đề ở chỗ ai bảo đảm các NH sau này không tăng lãi suất của khoản vay trừ khi các NH cam kết duy trì mức lãi suất thấp như ban đầu hoặc cam kết lãi suất thấp hơn thị trường…
Về phí phạt trả sớm, theo quy định của Bộ luật Dân sự, nếu tất toán khoản vay trước hạn, NH được phép thu toàn bộ lãi của thời hạn cam kết vay, tùy từng NH mà mức phí phạt từ vài phần trăm đến vài chục phần trăm. “Thực tế NH nào cũng muốn giữ khách hàng. Khi thấy nguy cơ mất khách hàng họ sẽ áp dụng mức phí tối đa, cộng với các điều kiện giữ chân khác. Do vậy, khách hàng cần hết sức cân nhắc tính hiệu quả khi đi vay NH khác để trả nợ…” - Luật sư Đức đưa ra lời khuyên.
Đặc biệt, theo Luật sư Đức, hiện quy định về “đảo nợ” chưa rõ ràng (trường hợp nào được cho vay trả nợ, trường hợp nào không?…). Ngoài ra, cũng không loại trừ nguy cơ khách hàng không trả được nợ, lại che giấu để vay NH khác thì còn nguy hiểm hơn vì khách hàng vay xong là xóa dấu vết nợ xấu…
“Việc Thông tư 06/2023/TT-NHNN cho phép NH cho vay để trả nợ, về lý thuyêt có thể tạo cạnh tranh giữa các NH, là cơ hội cho khách hàng cơ cấu lại nợ với lãi suất vay thấp hơn. Nhưng thực thế còn nhiều yếu tố mà cả NH và khách hàng cần phải cân nhắc…” - Luật sư Đức đưa ra lời khuyên.
Thanh Thanh - Pháp luật Plus