Đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi xảy ra vụ việc đối tượng ngang nhiên đưa máy múc vào rừng múc 18 cây Bằng Lăng có đường kính từ 25 cm và một số cây gỗ khác tại tiểu khu 680 thôn 1, xã Cư Yang huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) thuộc lâm phần của Công ty Lâm Nghiệp Ea Kar, nhưng đến nay các đối tượng vi phạm vẫn chưa bị xử lý.
Vụ việc đưa máy múc vào đào cây Bằng Lăng trái phép đến nay vẫn chưa được đưa ra ánh sáng.
Về nội dung này, phóng viên Pháp luật Plus đã trao đổi với ông Lê Đình Chiến, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar qua điện thoại, ông Chiến cho biết hiện các cơ quan chức năng của huyện vẫn đang thu thập bằng chứng để xử lý vụ việc.
Trước đó như Pháp luật Plus đã phản ánh, ngày 3/9, lực lượng chức năng xã Cư Yang, huyện Ea Kar đã phối hợp với cán bộ Công ty Lâm nghiệp Ea Kar đã bắt quả tang đối tượng ngang nhiên đưa máy múc mở đường vào rừng đào 18 cây Bằng Lăng trái phép. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 18 cây Bằng Lăng và một số cây gỗ tạp có đường kính khoảng 25cm đã bị đào lên, số cây này chuẩn bị được các đối tượng vận chuyển ra ngoài.
Ông Phạm Xuân Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Cư Yang cho biết, hiện lực lượng Công an xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh có một đối tượng liên quan đến vụ việc trên.
Hiện trường vụ việc trên.
Theo đó, địa điểm các đối tượng đưa máy múc vào đào cây là tại Tiểu khu 680 thuộc thôn 1, xã Cư Yang.
Tại đây, UBND xã đã lập biên bản tạm giữ một chiếc máy múc của đối tượng Đặng Tuấn, sau đó máy múc được kéo về sân UBND xã phục vụ công tác điều tra.
Cũng tại khu vực xã Cư Yang, tháng 8/2019 Công an tỉnh Đắk Lắk đã đột kích và bắt giữ các đối tượng cưa hạ hàng trăm m3 gỗ trái phép, bắt giữ nhiều đối tượng chủ mưu phá rừng, cưa hạ gỗ, khởi tố dàn lãnh đạo của Công ty lâm nghiệp Ea Kar do buông lỏng quản lý.
Được biết, lâm “tặc” vẫn lén lút hoạt động, điển hình như ngày 5/8 tại lâm phần của công ty lâm nghiệp Ea Kar. Cán bộ quản lý BVR và lãnh đạo công ty bắt 2 xe gỗ có dấu hiệu khai thác trái phép, lập tức lâm tặc đã huy động 40 người vây ráp, cướp tang vật.
Tại trước sân UBND xã Cư Prông, huyện Ea Kar, nhiều cây Bằng Lăng được đào từ rừng về trồng ngay sân UBND xã. Đi vào chưa đầy 200 mét tại sân nhà ông N.V. N cán bộ Tư Pháp xã Cư Prông cũng trồng nhiều gốc cây Bằng Lăng... không rõ nguồn gốc (?).
Liên quan đến việc “chảy máu” tài nguyên rừng nghiêm trọng thay vì phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng để giải quyết hậu quả, truy trách nhiệm người quản lý, bảo vệ rừng được nhà nước giao thì Công ty Lâm Nghiệp Ea Kar lại ra công văn khiếu nại lý do là việc phá rừng xảy ra trong 4 ngày lễ để thanh minh và che mắt báo chí cũng như cơ quan chức năng nhằm trốn tránh trách nhiệm...
Pháp luật Plus đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm làm rõ ai đã buông lỏng quản lý để xảy ra vụ việc phá rừng (?), chậm xử lý vi phạm. Đồng thời, xử lý nghiêm các đối tượng gây ra vụ phá rừng trái phép.
Ngọc Anh - Pháp luật Plus