Cảnh báo bệnh dại “trái mùa” đột ngột
Kinhte&Xahoi
Thông thường, thời gian cao điểm ghi nhận các ca bệnh dại thường là mùa hè nắng nóng. Tuy nhiên, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay ở nước ta, bệnh dại “trái mùa” có xu hướng gia tăng với 22 người tử vong, gần 70.000 người phải điều trị dự phòng bệnh, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi.
Vì sao tăng đột biến?
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, từ năm 2022 đến nay bệnh dại có xu hướng gia tăng. Ở nhiều tỉnh, thành phố, bệnh dại lưu hành trong nhiều năm và có số ca tử vong cao. Tại Việt Nam, nguồn truyền bệnh dại là động vật có vú hoang dã và động vật sống gần người, nhiều nhất là chó, sau đó là mèo. Thống kê cho thấy chó là “ổ chứa” virus dại chủ yếu chiếm 96 - 97%, sau đó là mèo chiếm 3 - 4%, hiện chưa phát hiện ở động vật khác (thỏ, chuột, sóc...).
Ở chó và mèo, thời gian ủ bệnh thường từ 3 - 7 ngày trước khi có dấu hiệu lâm sàng và trong suốt thời kỳ súc vật bị bệnh. Trong khi đó, nếu đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều có tỷ lệ tử vong gần như 100%.
Thông thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2 - 8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên 1 năm hoặc 2 năm, trung bình là khoảng từ 1 - 3 tháng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ và sức đề kháng của cơ thể.
Đáng lo ngại, trong số những ca mắc bệnh dại đầu năm 2024 xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn từ 10 - 15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
Lý giải về nguy cơ bệnh dại “trái mùa”, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng phụ trách quản lý điều hành Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng kịp thời, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế.
Một trong những giải pháp then chốt để ngăn ngừa bệnh dại lây sang người là tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo và quản lý chó mèo. Tuy nhiên, nước ta là một trong những nước có đàn chó, mèo nuôi tương đối lớn (khoảng 8 triệu con), các hộ gia đình thường nuôi thả tự do, đặc biệt ở các khu vực nông thôn, miền núi. Điều này khiến cho việc quản lý đàn chó, mèo cũng như tiêm vắc xin cho động vật gặp nhiều khó khăn.
Thực tế, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên động vật còn thấp. Trong khi đó, việc ngăn chặn chó mèo tấn công lại không dễ dàng bởi người dân chưa có ý thức tự giác phải đeo rọ mõm cho chó, mèo ra đường hoặc nơi công cộng.
Không được chủ quan
Đáng lo ngại, mới bước sang năm 2024 được 2 tháng, số ca tử vong do bệnh dại được ghi nhận đã gia tăng đáng kể. Tình hình này có thể khiến diễn biến của bệnh khi "vào mùa" trong những tháng tới sẽ rất phức tạp. Mùa nắng nóng là điều kiện thuận lợi thúc đẩy nguy cơ bùng phát nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là bệnh dại.
Do đó, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cũng như tính mạng của mình, không nên chủ quan với bệnh. Bệnh dại nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có vắc xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được. Khi bị chó cắn, mèo cào, người dân nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn tiêm vắc xin hoặc huyết thanh phòng bệnh. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, nên giúp trẻ hiểu và khai báo sớm nếu bị động vật cắn, cào làm bị thương để người lớn xử lý kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Đáng chú ý, các quan niệm như không tiêm vắc xin dại vì lo ngại vắc xin sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh, sức khỏe và tự ý chữa bệnh bằng các phương pháp chưa được Bộ Y tế công nhận là điều hết sức sai lầm bởi hầu hết các trường hợp tử vong vì dại đều do không đi tiêm phòng vắc xin kịp thời sau khi bị chó, mèo hay vật nuôi cắn.
Khuyến cáo phòng, chống bệnh dại, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhắc nhở, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: Tiêm phòng 100% cho chó, mèo đầy đủ và nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
Khi phát hiện trường hợp chó nghi dại, chó cắn nhiều người, hoặc nhiều chó, mèo trên địa bàn ốm, chết không rõ nguyên nhân, người dân cần báo ngay với chính quyền địa phương; nếu bị chó, mèo cắn cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời...
Bảo Ngọc - Hà Nội mới