Một trong những nội dung được các đại biểu quốc hội quan tâm là quy định rõ hành vi mua bán thai nhi vào dự thảo Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng, chống tội phạm hiện nay.
Bàn luận về nội dung này, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm từ năm 2018 đến năm 2022 cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người.
Nếu như trong giai đoạn trước đây từ 2012- 2020 mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài chiếm trên 80% số vụ, thì thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước riêng năm 2022 số vụ mua bán trong nước chiếm đến 45% tổng số vụ.
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình). Ảnh quochoi.vn
Mua bán người được Liên Hợp Quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới.
Ngày nay công nghệ phát triển các đối tượng chỉ cần ngồi tại một vị trí sử dụng mạng zalo, facebook để kết nối dụ dỗ đưa người ra nước ngoài hoặc trao đổi mua bán nạn nhân ngay trong nội địa.
Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, việc để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là cần thiết.
Về nội dung cụ thể, đại biểu cho biết, theo báo cáo của Bộ Công an, số vụ phạm tội mua bán người có chiều hướng gia tăng hằng năm, đặc biệt thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá.
Cần có giải pháp đối với hành vi mua bán thai nhi
Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị dự thảo Luật cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người.
Đại biểu cho biết, hiện nay xuất hiện hành vi mới trong đời sống xã hội là buôn bán thai nhi trong bụng mẹ. Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý.
“Theo pháp luật hình sự của nước ta hiện nay, chỉ được coi là người và có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra đời, còn khi vẫn đang là bào thai trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội.
Cho nên cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi”, đại biểu phân tích.
Cấp thiết bổ sung quy định hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ. Ảnh phunuvietnam.vn
Theo đại biểu, xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con rồi bán cũng là hành vi phải quy định là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội của mua bán người.
Tuy nhiên, thực tế pháp luật hiện nay chưa quy định nên không có cơ sở xem xét. Bộ luật Hình sự 2015 cũng như pháp luật về phòng, chống mua bán người cũng chưa có quy định nào về vấn đề trên.
Do đó, đại biểu cho rằng, trong lần sửa đổi Luật lần này, Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ trước tình hình mua bán thai nhi đang diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi như trong giai đoạn hiện nay.
Mặt khác, hiện nay các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức rất phức tạp như tham quan du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi thông qua các đối tượng là pháp nhân thương mại…
Do đó, đại biểu đề nghị, cần phải xem xét, cân nhắc bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội buôn bán người nhằm kịp thời điều chỉnh phù hợp thực tiễn về tình hình mua bán người có kết cấu tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia như hiện nay.
Trong khi đó, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay chưa quy định đối với trường hợp mua bán thai nhi, vì thai nhi không phải là trẻ em được sinh ra.
Tuy nhiên, trên thực tiễn hiện nay tình trạng mua bán thai nhi đã xảy ra tại nhiều địa phương là hành vi nguy hiểm cho xã hội và vi phạm đạo đức vi phạm thuần phong mỹ tục và chưa có quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này; do đó cần bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội ngày 24/6. Ảnh quochoi.vn
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh, việc tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình.
Thai nhi mặc dù chưa sinh ra nhưng cần được bảo vệ như một con người với đầy đủ các quyền cơ bản. Việc mua bán thai nhi không chỉ là vi phạm quyền của thai nhi, mà còn là sự xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người.
Việc bổ sung hành vi này vào tội mua bán người sẽ thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của thai nhi, phù hợp với các giá trị đạo đức và nhân văn.
Việc không có quy định rõ ràng sẽ tạo kẽ hở cho các thành viên mua bán thai nhi diễn ra, gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội và cộng đồng. Việc bổ sung quy định này sẽ giúp ngăn ngừa, ngăn chặn từ xa các hành vi vô đạo đức và bảo vệ sự an toàn cho thai nhi và bà mẹ mang thai.
Do đó, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, bảo đảm quy định rõ ràng, cụ thể và có tính khả thi cao. Đồng thời, tăng cường đào tạo, trang bị cho các cơ quan chức năng để thực thi luật hiệu quả và nghiêm minh.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về việc mua bán thai nhi trong bụng mẹ vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Phòng chống mua bán người.
Điều này sẽ giúp luật bao quát và phản ánh đúng thực tế hơn; đồng thời tăng cường khả năng bảo vệ thai nhi và bà mẹ mang thai.
Nghiêm cấm báo tin sai sự thật về mua bán người
Bàn luận về dự án luật, đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định về hành vi nghiêm cấm cố tình báo tin, tố giác, tố cáo hay khai báo sai sự thật về phòng, chống mua bán người.
Liên quan đến chính sách nhà nước về phòng chống mua bán người, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị bổ sung thêm “vùng biên giới và đối tượng yếu thế” vào khoản 4 của dự thảo Luật.
Vì khu vực biên giới và những nơi phức tạp về an ninh trật tự là những nơi dễ thực hiện hành vi lừa đảo, mua bán người.
Và các đối tượng yếu thế, khuyết tật cũng là đối tượng mà tội phạm mua bán người nhắm đến. Do đó, đề nghị cần phải tập trung nhiều hơn.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh quochoi.vn
Tại Điều 26 tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo, đại biểu cho rằng, quy định như tại khoản 1 Điều này sẽ bó hẹp đối tượng được quyền trình báo, tố giác hành vi, mua bán người, vì thực tế không phải nạn nhân nào cũng có thể tự đến hoặc có người đại diện hợp pháp đến cơ quan trình báo vụ việc mua, bán người.
Đồng thời quy định như dự thảo có thể hạn chế quyền trình báo, tố giác của người dân, cộng đồng khi phát hiện vụ việc mua, bán người.
Vì vậy, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung cho phù hợp.
Đề xuất đưa vào nội dung chương trình dạy học bắt buộc
Đóng góp ý kiến đối với vấn đề phòng ngừa mua bán người, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, Chương 2 của dự án Luật quy định về thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người nhưng Điều 7 nội dung dự án Luật quy định còn chung chung.
Tại Khoản 2 quy định về nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhưng không xác định rõ đối tượng tuyên truyền tập trung vào đối tượng nào, hình thức tuyên truyền, giáo dục cụ thể ra sao.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn ĐBQH TP Hà Nội). Ảnh quochoi.vn
Theo một báo cáo về tình hình mua bán người ở Việt Nam năm 2021, nạn nhân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới ở độ tuổi trẻ em hoặc lứa tuổi 19 - 20 tuổi, phần lớn là nữ giới.
Nếu nhìn vào những con số thống kê, có thể thấy việc tuyên truyền phải nhắm tới những đối tượng cụ thể, đó là trẻ em nữ, người dân tộc thiểu số ở các vùng cao, biên giới.
Qua báo cáo thống kê thì hầu hết nạn nhân chỉ học hết lớp 9, có một số ít học hết lớp 12.
Vì vậy, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất, trong dự án Luật cần quy định việc đưa vào nội dung chương trình dạy học bắt buộc đối với các địa bàn vùng cao, biên giới để giáo dục về phòng ngừa mua bán người, giúp các em học sinh có thể nhận thức về những hành vi mua bán người từ sớm.
Qua đó, bản thân có khả năng nhận diện nguy cơ và có biện pháp để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang thông tin, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được ban hành sẽ là một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, đặc biệt kiềm chế gia tăng tội phạm buôn bán người, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã quan tâm, có những ý kiến đóng góp sâu sắc đối với dự án Luật khi thảo luận tại tổ và tại hội trường. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao để hoàn thiện dự thảo Luật.
Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội, nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để chỉnh lý, hoàn thiện quy định trong dự thảo Luật về các khái niệm mua bán người, nạn nhân, chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, về phòng ngừa mua bán người, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Bộ trưởng Bộ Công an mong muốn, trong thời gian tới, các tổ chức chính trị xã hội, các đại biểu Quốc hội và nhân dân tiếp tục quan tâm, cho ý kiến với dự án Luật. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp cùng cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Tường Vân - Pháp luật Plus