Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng
Ngày 11/11/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Theo đó, tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành) từ ngày 1/7/2023.
Hiện nay, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng.
Do tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ tháng 7/2023 vì vậy mức lương của Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND tỉnh năm 2023 có nhiều sự thay đổi so với năm 2022.
Trước đó, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 86/2019/QH14 về việc tăng mức lương cơ sở từ năm 2020 trở đi từ 1,49 triệu đồng đến 1,6 triệu đồng.
Tuy nhiên, Nghị quyết 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 thì Quốc hội đã quyết định chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.
Như vậy, việc tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức lương Chủ tịch UBND tỉnh năm 2023 sẽ có nhiều thay đổi.
Cụ thể, mức lương Chủ tịch UBND tỉnh được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 5/1/2005 hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, hệ số lương của Chủ tịch UBND tỉnh là 7,64
Cách tính lương Chủ tịch UBND tỉnh như sau:
Lương Chủ tịch UBND tỉnh = Mức lương cơ sở X Hệ số lương.
Theo đó, với việc tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ tháng 7/2023 thì mức lương Chủ tịch UBND tỉnh năm 2023 là 13.752.000 đồng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh còn có phụ cấp chức vụ với hệ số là 1,25.
Trong khi đó, mức lương của Chủ tịch Phó Chủ tịch UBND tỉnh được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 5/1/2005 hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, hệ số lương của Phó Chủ tịch UBND tỉnh là 6,56.
Cách tính lương Phó Chủ tịch UBND tỉnh như sau:
Lương Phó Chủ tịch UBND tỉnh = Mức lương cơ sở X Hệ số lương.
Theo đó, với việc tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ tháng 7/2023 thì mức lương Phó Chủ tịch UBND tỉnh năm 2023 là 11.808.000 đồng.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh còn có phụ cấp chức vụ với hệ số là 1,05.
Chức danh của Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2019) thì Chủ tịch UBND tỉnh là người đứng đầu Ủy ban nhân dân tỉnh và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
Một là lãnh đạo, điều hành công việc của Ủy ban nhân dân, thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh;
Hai là phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; điều động, đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; giao quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp khuyết Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp huyện; yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đình chỉ, cách chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc vi phạm pháp luật; bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật;
Ba là lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân; thực hiện các biện pháp quản lý dân cư trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
Bốn là lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính; chỉ đạo công tác cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước ở địa phương;
Năm là đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản trái pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đình chỉ việc thi hành văn bản trái pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp huyện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh bãi bỏ;
Sáu là tổ chức việc phối hợp với cơ quan nhà nước cấp trên đóng tại địa bàn tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật;
Bảy là chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;
Tám là quản lý và tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, các phương tiện làm việc và ngân sách nhà nước được giao trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
Chín là chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
Mười là tổ chức việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, tiếp công dân theo quy định của pháp luật;
Mười một là thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước ở trung ương phân cấp, ủy quyền.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh là một chức danh của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Hội đồng nhân dân tỉnh trực thuộc bầu ra.
Phó Chủ tịch UBND giúp Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện các công việc theo phân công và nhiệm vụ được giao tại các văn bản quy định quyền hạn nhiệm vụ của phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh trực thuộc quy định.
Quốc Bảo - Pháp luật Plus