Thiếu chuyên môn nhưng tạo xu hướng
Chọn cách đi ngược lối review thông thường, giả vờ chê nhưng thực chất khen, đập bàn ghế, quát mắng nhân viên, sáng tạo ra kiểu ăn mới không có trong thực đơn… là cách mà không ít TikToker, reviewer ẩm thực đang thực hiện để thu hút người theo dõi trong thời gian qua.
Mới đây nhất, sau lùm xùm với các hàng quán, TikToker Võ Hà Linh - người được cộng đồng mạng đặt biệt danh là “chiến thần review” vừa đăng tải clip xin lỗi và thông báo về việc dừng review quán ăn. Trái với lời tự nhận xét “mình là người ăn rất khôn mồm”, TikToker này bị phản ứng vì không có đủ hiểu biết về những món ăn, hàng ăn mà mình đến review, ví dụ như chê món súp hải sản loãng sau khi liên tục khuấy. Thậm chí, nhiều hàng quán còn dán biển “không tiếp” TikToker này.
Giống với Võ Hà Linh, nhận xét “ngon hay dở” của những food reviewer, food blogger hiện nay chủ yếu dựa trên cảm nhận, trải nghiệm cá nhân, khác với các nhà phê bình ẩm thực là những người có nền tảng kiến thức và kinh nghiệm. Sự xuất hiện lên tràn lan của nghề này cũng khiến số đông như lạc vào “ma trận” thông tin khi ai cũng có thể trở thành food reviewer. Vì vậy, việc liệu các review của nhóm nghiệp dư này có đủ công tâm và đáng tin hay không là điều rất được cộng đồng chú ý.
Ẩm thực đang là chủ đề được nhiều nhà sáng tạo nội dung nhắm tới
Thuật ngữ foodie (tín đồ ăn uống) được sử dụng để xác định ai đó có sở thích đặc biệt về đồ ăn. Cùng với thời gian và tiến bộ công nghệ, các foodie đã tạo ra một kiểu người yêu thích ẩm thực khác: các reviewer, blogger ẩm thực.
Đánh trúng vào tâm lý ai cũng có nhu cầu được ăn ngon, những người làm công việc foodie này coi đây như một công việc toàn thời gian và kiếm tiền, xây dựng danh tiếng nhờ nó. Nói cách khác, một thế hệ nhà sáng tạo nội dung mới nổi lên, nắm trong tay quyền lực điều hướng sự lựa chọn địa điểm ăn uống của người xem. Các bài đánh giá kiểu cũ dần nhường chỗ cho video, từ YouTube đến TikTok.
Điện thoại thông minh luôn túc trực sẵn nút quay, chụp, hình ảnh về những đĩa đồ ăn được sắp xếp bố cục, bày trí đẹp mắt khiến bất kỳ người xem nào cũng hiếu kỳ, muốn thử một miếng. Video đánh giá nói về không gian, hương vị món ăn, giá thành, thái độ phục vụ và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy vậy, việc đánh giá món ăn đang trở thành điểm gây tranh cãi giữa các nhà phê bình chuyên nghiệp và những food reviewer tự xưng. Trong khi các nhà nhận xét có chuyên môn thường làm việc ẩn danh và có ngân sách để ghé quán nhiều hơn một lần, thử nhiều loại thực phẩm trước khi đưa ra kết luận thì các blogger, reviewer tham gia với ngân sách hạn chế và đưa ra quyết định dựa trên một mẫu nhỏ.
Từ đây, xuất hiện mối quan ngại nhóm nghiệp dư liệu có xứng đáng với quyền lực họ tạo ra hay không và cách họ sử dụng chúng, đi kèm là câu hỏi về việc kinh doanh của các đơn vị và thị hiếu của công chúng bị ảnh hưởng ở mức độ nào.
Võ Hà Linh được cộng đồng mạng réo tên khi thực hiện các video review ẩm thực nhưng không có chuyên môn (Ảnh tổng hợp)
Vấn đề này còn liên quan đến các lợi ích đằng sau. Không hiếm trường hợp những người không chuyên nhận lời mời quảng cáo, được trả thù lao hậu hĩnh, đổi lại là những lời khen "có cánh" cho nhà hàng, quán ăn. Vốn dĩ, các blogger, reviewer có thể có quy tắc làm việc riêng, song không chịu sự quản lý của bên giám sát nào.
Nhiều chiêu trò và mánh khóe
Điều dễ thấy ở trong các clip đánh giá là món ăn được gọi với số lượng lớn, bày kín bàn, tạo cảm giác đẹp mắt và kích thích tò mò. Tuy vậy, giống như các video mukbang, số lượng đồ ăn được tiêu thụ trên thực tế có thể chỉ bằng một phần nhỏ, còn phục vụ việc quay, chụp ảnh check-in là chính. Kết quả, thực phẩm bị gọi thừa mứa, gây lãng phí.
Sự bão hòa của nghề food reviewer còn tạo ra những TikToker chiêu trò, sẵn sàng dùng đến các mánh khóe để ra video thường xuyên hơn hoặc để chuộc lợi cá nhân.
Một số chọn lôi kéo người xem bằng cách đi ngược lối review thông thường, ví dụ như giả vờ chê nhưng thực chất là đang khen; quảng cáo bằng cách đập bàn ghế, quát mắng nhân viên. Số khác chọn "phá cách" bằng cách sáng tạo ra kiểu ăn mới, không có trong thực đơn và khuyên người xem "nhất định phải thử theo".
Một trong các cách thức phổ biến nhất là sử dụng danh xưng này để đề nghị đổi lấy sự tài trợ. Theo đó, các nhà hàng sẽ cung cấp cho sao mạng một bữa ăn thịnh soạn miễn phí, đổi lấy là đánh giá tích cực, khen ngợi từ phía TikToker. Cách làm này được một số bên kinh doanh coi là mối quan hệ hai bên cùng có lợi, nhà hàng không tốn quá nhiều chi phí. Song, nhiều nơi khác sẵn sàng từ chối cách hợp tác này.
Xa hơn, lợi dụng trào lưu review đồ ăn và có những bên muốn được biết tới trên mạng nhiều hơn, không hiếm TikToker cố tình nhận bản thân là người có ảnh hưởng trên mạng để đòi được ăn không mất tiền.
Để thu hút người xem, nhiều TikToker không ngại sử dụng chiêu trò hay mánh khóe
Với trường hợp của Võ Hà Linh, trước khi gây tranh cãi, nữ reviewer này có rất nhiều clip review hàng quán thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng dù bản thân cô thừa nhận mình không phải người đánh giá chuyên nghiệp.
Bên dưới các clip, người xem để lại nhiều bình luận khen ngợi TikToker "đưa ra những nhận xét có tâm, khách quan, không ngại chê bai ai". Từ đây, người này cũng dần được biết đến với biệt danh "chiến thần review".
Sự tung hô khán giả từng dành cho Hà Linh cho thấy sức hút của các clip review chê bai hàng quán trên TikTok. Nhiều TikToker nổi tiếng hiện tại cũng tạo dựng tên tuổi, sự nghiệp bằng những clip "vạch lá tìm sâu" trong các nhà hàng nổi tiếng.
Đối với các TikToker, thúc đẩy mức độ tương tác là điều được ưu tiên hàng đầu. Do đó, những người này sẵn sàng đăng các bài đánh giá cường điệu hóa mọi thứ nhằm thu hút lượt xem và lượng tương tác từ khán giả.
Loại nội dung này cũng là thứ cốt lõi tạo nên sự phổ biến cho TikTok, đặc biệt là với Gen Z khi hầu như không có thời gian để đọc toàn bộ một bài báo. Mặt khác, một bài đánh giá trên TikTok lại cung cấp những điều quan trọng nhất cần biết về nhà hàng và chúng ta thực sự có thể chọn đâu là điểm nổi bật trong vòng 30 giây.
Khi mạng xã hội đang ngày càng phát triển, các reviewer phải có trách nhiệm với những lời nhận xét, đánh giá của mình. Bất kỳ một thông tin đăng tải nào sai sự thật, bịa đặt gây hoang mang dư luận hoặc ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hay quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống, người làm nội dung có thể phải trả giá trước pháp luật.
Phạm Thành - TTTĐ