Mới đây, UBND TP HCM đã chuyển Công an TP HCM điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự trong chuyển mục đích sử dụng đất công, trong đó có một vụ liên quan Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV (số còn lại không được công bố).
Hình minh họa.
Thông tin được nêu trong báo cáo của UBND TP HCM gửi Thanh tra Chính phủ về kết quả thanh tra việc chuyển mục đích sử dụng từ đất sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở của DN Nhà nước hoặc cổ phần hoá giai đoạn 2011 - 2021.
Trong thời gian này TP có 70 vị trí đất được DN Nhà nước hoặc cổ phần hoá chuyển đổi mục đích với tổng diện tích gần 1,4 triệu m2, thu về hơn 8.500 tỷ đồng.
TP HCM đã thanh tra 8 DN nhà nước/cổ phần hoá có 28 vị trí đất, với tổng diện tích gần 6 triệu m2, gồm: Trung tâm Hạt nhân TP; Cty CP SX KD DV & Xuất nhập khẩu quận 1 (Fimexco); Cty CP Đầu tư và Xây lắp 5; Cty CP NAKYCO; Cty TNHH MTV Cây trồng TP; TCty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV; Cty TNHH MTV Cảng sông Sài Gòn (nay là Cty CP Cảng Phú Định); TCty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV.
Trong đó, Cty Cây trồng TP có diện tích lớn nhất với 2,7 triệu m2 tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Còn TCty Địa ốc Sài Gòn có nhiều vị trí bị thanh tra nhất: 15 địa điểm tại quận 8, 11, 4, 5, Tân Phú, Tân Bình.
Thanh tra đã phát hiện 215 tỷ đồng vi phạm tài chính và 6,4 triệu m2 vi phạm về đất đai; kiến nghị kỷ luật hành chính 11 tổ chức, 18 cá nhân; thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 27 tỷ đồng và gần 130.000m2 đất. Trong số này, 4 tổ chức và 17 cá nhân đã bị xử lý hành chính và 6,5 tỷ đồng đã được thu hồi về ngân sách Nhà nước, 21 tỷ đồng được tạm giữ.
Theo UBND TP HCM, vi phạm chủ yếu thuộc về DN, chủ đầu tư dự án với 5 nhóm sai phạm. Cụ thể là, DN chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng tài sản trên đất, sau đó chuyển quyền thuê đất Nhà nước hoặc quyền phát triển dự án cho đối tác toàn quyền thực hiện.
Thứ hai, DN Nhà nước góp vốn tham gia liên doanh, liên kết hoặc lập Cty liên doanh để triển khai dự án bất động sản, nhưng thực chất là chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không qua đấu thầu. Hình thức này biến tướng bằng các kiểu hợp đồng như góp vốn bằng lợi thế quyền thuê đất, lợi thế thuê mặt bằng...
Loại vi phạm thứ ba là DN Nhà nước sử dụng hợp đồng hợp tác để cập nhật thông tin biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rồi giao cho đối tác toàn quyền thực hiện dự án khi chưa được chấp thuận. Hoặc khi hợp tác đầu tư, DN Nhà nước không thẩm định lợi thế quyền thuê đất hoặc mặt bằng làm cơ sở góp vốn, mà giao toàn quyền cho đối tác khai thác dự án và phân chia lợi nhuận cố định.
Hình thức vi phạm nữa là DN sử dụng đất thuê của Nhà nước không đúng mục đích giao, thuê, sử dụng đất không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chính của đơn vị, không đúng phương án cổ phần hóa DN Nhà nước được duyệt.
Nguyên nhân được cho là sở, ngành chuyên môn tham mưu thiếu chặt chẽ cho UBND TP. "Ngoài lý do cố tình thực hiện hành vi vi phạm thì có trường hợp người quản lý DN Nhà nước (Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên) thiếu nhận thức về trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật", báo cáo nêu.
Thời gian tới, TP HCM sẽ tăng thanh, kiểm tra các dự án có sử dụng đất công và thu hồi dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, có sai phạm trong đấu thầu, đấu giá.
Linh Nhi - Pháp luật Plus