Ngày Thơ trực tuyến
Hòa với xu hướng “người người, ngành ngành” trực tuyến trong mùa dịch, Ngày Thơ Việt Nam năm nay cũng trở lại với hình thức online.
Sau hai năm phải tạm ngừng vì dịch bệnh, Ngày Thơ vẫn chưa “biến mất” khỏi tâm thức người yêu thơ, người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật bởi đây đã là nếp sinh hoạt “đến hẹn lại lên” quen thuộc vào ngày rằm tháng Giêng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng như tại các tỉnh thành trên cả nước.
Ngày Thơ Việt Nam diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành "điểm hẹn" quen thuộc với nhiều người (Ảnh tư liệu)
Dù vậy, qua 20 lần tổ chức, đặc biệt là những năm gần đây, không phải không có những ý kiến trái chiều về hoạt động văn hóa này. Nào thì lễ hội hóa thi ca, giảm thiêng thi ca, kéo theo đó là nhiều hoạt động quần chúng đáng phàn nàn… Tất nhiên, mỗi một sự việc đều có nhiều mặt của nó. Ngày Thơ hàn lâm quá thì sẽ xa rời công chúng mà xôm tụ quá thì lại “giảm thiêng” của thánh đường.
Làm sao để đáp ứng nhu cầu yêu thơ, thưởng thức thơ, đi hội thơ của công chúng mà vẫn đảm bảo tính nghệ thuật của thi ca đó là yêu cầu không dễ gì thực hiện tốt được đối với những người tổ chức. Sự vắng mặt hai năm của Ngày Thơ Việt Nam tại Văn Miếu cũng như tại các tỉnh thành cho thấy hóa ra dù thế nào, hoạt động sáng tác, thưởng thức thi ca vẫn là một nhu cầu không thể thiếu với một bộ phận người dân.
Dịch bệnh không thể khiến họ bớt quan tâm đến thơ ca mà ngược lại, cùng với các ngành nghệ thuật khác, thơ ca còn góp phần bồi dưỡng tâm hồn, tinh thần, niềm tin để họ vượt qua đại dịch.
Chính bởi thế, năm nay, Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức trực tuyến chắc sẽ “phân khúc” được thơ phong trào, thơ hội nhóm và thơ nghệ thuật theo quan niệm của nhiều người. Như vậy, ai cũng có cơ hội được thưởng thức, được công bố, được trải qua một ngày hội của riêng mình. Mặc dù hoạt động thi ca vẫn diễn ra quanh năm nhưng có một ngày hội để tôn vinh, để tập trung thì vẫn khiến ngày rằm tháng Giêng ý nghĩa hơn, đáng mong đợi hơn.
Năng tích đức còn hơn chăm thờ cúng
Ngày rằm tháng Giêng năm nay, đáp ứng mong mỏi của Nhân dân, dựa trên thành tựu của phòng, chống dịch, thành phố Hà Nội đã cho mở cửa các di tích trên địa bàn Thủ đô. “Lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng”, người dân Hà Nội tấp nập đổ về những địa điểm tâm linh thiêng liêng để cầu nguyện cho một năm thuận lợi, hanh thông. Đó là nhu cầu tín ngưỡng, là nét đẹp văn hóa từ ngàn đời của dân tộc ta.
Ngay trước thềm xuân mới Nhâm Dần, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục ra văn bản yêu cầu các chùa tổ chức lễ cầu an đầu năm theo đúng chính pháp, không đốt vàng mã, tránh mê tín dị đoan, không dùng các thuật ngữ dễ gây hiểu lầm ý nghĩa cầu an của Phật giáo...
Các di tích ở Hà Nội trong ngày đầu mở cửa trở lại nơi vắng, nơi đông, người dân tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch
Một điều rất đáng ghi nhận, vừa do khuyến cáo của Giáo hội Phật giáo, vừa do dư luận, đồng thời cũng do dịch bệnh mà hoạt động dâng sao giải hạn không còn diễn ra rầm rộ, phản cảm, phiền lòng dư luận như một số năm trước đây. Tất nhiên, điều này vẫn được thực hiện tại một số chùa tại Hà Nội nhưng không tràn lan đến mức thành vấn nạn.
Có được điều này một phần là do chùa đóng cửa, một phần do dịch bệnh người dân cũng ngại đến nơi đông người, một phần cũng là do sự quản lý nghiêm của chính quyền. Tâm linh là nhu cầu chính đáng của con người song một khi đã để thành những biến tướng, giúp một bộ phận nào đó trục lợi thì sẽ xảy ra những việc con người ỷ lại vào thờ cúng, lễ lạt mà quên đi một điều quan trọng nhất rằng phải tu nhân tích đức, chăm làm việc thiện thì mới là căn bản của đạo.
Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tín ngưỡng, tôn giáo từng nói: "Dâng sao giải hạn chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên. Bởi vậy, không có gì tốt hơn là tự tu thân, dùng trí tuệ để nhìn nhận mọi sự, mọi việc, tránh những hành động sai trái, rồi đi hối lộ thần linh, đặt cược với thần linh, như vậy thì tội lỗi về mặt tâm linh sẽ lớn hơn rất nhiều".
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá XIII và XIV, từng khẳng định: "Dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật". Hòa thượng cho biết, tục này nằm trong nghi lễ của Đạo giáo và đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt Nam. Tín ngưỡng dân gian và nghi lễ của Phật giáo gặp nhau ở một điểm là cầu mong cho con người được an lành, không gặp phải những điều xấu trong cuộc sống.
"Cho nên, ở trong chùa từ lâu rồi cũng có làm nhưng tùy từng chùa thực hiện với các nghi thức khác nhau. Cũng có chùa, đền, phủ... cúng theo tín ngưỡng cổ truyền là dâng sao, cũng có nơi như Phật giáo chỉ tụng kinh lễ Phật. Hiện nay, người dân dâng sao giải hạn là đang quan niệm theo tín ngưỡng, cầu mong một cuộc sống được an bình trong một năm", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.
Ông khuyên, không nên vì thấy người khác làm mà chạy đua theo để ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Thay vì mất tiền của để dâng sao giải hạn, mọi người nên giữ cái tâm trong sáng, đi lễ với tâm thành kính chứ không để tư lợi chi phối.
Các nhà văn hóa, các chuyên gia tâm linh cũng đều cho rằng, trước hết mỗi người cần phải giữ cho tâm mình thanh tịnh. Muốn cầu được ước thấy thì trước hết điều ước của mình phải là điều thiện, không phi pháp, không ảnh hưởng đến người khác. Sau đó, người cầu nguyện phải hết lòng để thực hiện chứ không thể ngồi chờ hoặc ỷ lại rằng đã cầu cúng rồi thì không cần làm gì, chỉ việc đợi kết quả.
“Đức năng thắng số”, nhất là trong mùa dịch bệnh này, nhiều người nhận ra, có cầu cúng lễ bái chưa chắc đã thoát “vận hạn” mà có khi còn gánh ngay điều xui xẻo khi chẳng may bị lây lan dịch bệnh.
Nói như nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Sướng: “Đời người, ai cũng ít nhiều khổ đau. Cổ nhân có câu rất hay: "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Hãy đón nhận những khổ đau như một phần tất yếu của cuộc sống một cách bình thản, đừng khóc lóc, kêu ca, phàn nàn hay sợ hãi. Dùng năng lượng chánh niệm để ôm ấp nó, nhận diện nó; Dùng tuệ giác và lòng từ bi để tìm cách chuyển hóa nó. Tôi tin, từ những vũng bùn tanh hôi của khổ đau ấy, hoa sen của hạnh phúc sẽ nở và tỏa hương”.
Chúng ta hãy quan niệm lễ bái là thành tâm, là để tâm hồn mình hướng thiện thật sự chứ không phải cứ lễ bái là cầu cúng cái gì cũng được. Có như thế chúng ta mới biết mình cần cái gì, phải sống sao để đạt được ước ao. Có như thế, văn hóa tâm linh mới thực sự phát huy tác dụng thực sự của nó, chỉ đúng lối đúng đường cho hành xử của chúng ta, tránh được vòng tham, sân, si tự mình buộc lấy mình trong cuộc sống.
Hương Thu - TTTĐ