Cổ phiếu Vietnam Airlines thoát diện bị cảnh báo, nhưng còn nguy cơ bị hủy niêm yết
Kinhte&Xahoi
Dù đã thoát khỏi diện cảnh báo, nhưng hơn 2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vẫn đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.
Cổ phiếu HVN ra khỏi diện bị cảnh báo
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã công bố quyết định về việc đưa cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) ra khỏi diện cảnh báo, từ ngày 26/12/2023.
Lý do HoSE đưa ra là Vietnam Airlines đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 16/12, khắc phục được nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Doanh nghiệp tiếp thị)
Trước đó, cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 11/7 do chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.
Ở thời điểm đó, Vietnam Airlines chưa thể tổ chức đại hội đồng cổ đông do chưa hoàn thiện báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.
Cho tới trước ngày 16/12/2023, Vietnam Airlines đã có tổng cộng 4 lần dời lịch họp ĐHĐCĐ do công tác chuẩn bị chưa hoàn thành.
Dù đã thoát khỏi diện cảnh báo, nhưng hơn 2 tỷ cổ phiếu HVN vẫn đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết khi vi phạm cả 3 điều kiện, gồm kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
15 quý liên tiếp thua lỗ
Sau nhiều lần trì hoãn, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022.
Đáng chú ý, trong lần công bố này, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế là 11.223 tỷ đồng, mức lỗ giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với kết quả của năm 2021. Qua đó, nâng khoản lỗ lũy kế tính đến hết năm 2022 của Vietnam Airlines là hơn 35.072 tỷ đồng.
Với kết quả vừa được công bố, Vietnam Airlines chính thức ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp báo lỗ. Trước đó vào năm 2020, công ty báo lỗ 11.178 tỷ đồng, năm 2021 báo lỗ hơn 13.279 tỷ đồng.
Hồi tháng 2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã đưa ra cảnh báo cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết nếu lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ âm hoặc vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm.
Trên sàn HOSE, cổ phiếu HVN nằm trong diện hạn chế giao dịch và gần đây tiếp tục trong danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Cũng tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, đơn vị kiểm toán lưu ý tại ngày 31/12/2022, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 39.470 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11.056 tỷ đồng và khoản phải trả quá hạn là 15.396 tỷ đồng.
Từ đó, kiểm toán nhấn mạnh khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê.
"Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty", báo cáo kiểm toán của Deloitte nêu.
Tình hình doanh của Vietnam Airlines trong 9 tháng đầu năm 2023 đang cho thấy hãng hàng không này chưa thể thoát khỏi chuỗi 15 quý liên tiếp kinh doanh thua lỗ.
Trong quý 3/2023, theo báo cáo tự lập, Vietnam Airlines lỗ 2.203 tỷ đồng giảm lỗ so với mức lỗ 2.546 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, đây là quý lỗ ròng thứ 15 liên tiếp kể từ quý I/2020. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Vietnam Airlines lỗ 3.535 tỷ đồng, so với mức lỗ hơn 7.784 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lê Hải - Thanh Bình - Pháp luật Plus