Đề nghị tuyên y án cựu Tổng Giám đốc TISCO
Kinhte&Xahoi
Hôm qua (10/11), phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục diễn ra.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Trần Trọng Mừng (nguyên TGĐ TISCO), Đặng Văn Tập (nguyên Phó GĐ thường trực BQL dự án TISCO), Đồng Quang Dương (nguyên Phó GĐ kiêm Thư ký dự án TISCO), Đậu Văn Hùng (nguyên TGĐ Tổng công ty Thép Việt Nam – VNS), Nguyễn Trọng Khôi (nguyên Phó TGĐ VNS), Nguyễn Văn Tráng (nguyên Ủy viên Ban kiểm soát VNS)…
Trong phần tranh luận, phát biểu quan điểm, đại diện VKS cho rằng có đủ cơ sở kết luận năm 2005, Chính phủ chủ trương đầu tư Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, với tổng vốn hơn 3.800 tỷ đồng. TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là HĐQT của VNS.
Bị cáo Trần Trọng Mừng, cựu Tổng giám đốc TISCO. (Ảnh: Trần Cường)
Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Căn cứ kết quả đấu thầu, ngày 12/7/2007, ông Trần Trọng Mừng (cựu TGĐ TISCO), cùng Tổng Giám đốc MCC ký một hợp đồng có giá trị hơn 160 triệu USD (hơn 3.500 tỷ đồng).
Đây là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng và đã bao gồm các loại thuế được xác định trong hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng theo phương thức Tổng thầu EPC.
Theo hợp đồng, MCC phải hoàn thành dự án sau 30 tháng nhưng sau 11 tháng khởi công vẫn chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu.
Những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và hành vi thiếu trách nhiệm của các cá nhân thuộc TISCO và VNS đã dẫn đến hậu quả làm thất thoát, lãng phí, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước với tổng số tiền lên tới hơn 830 tỷ đồng.
“Trong vụ án này, các bị cáo đều có chức vụ, quyền hạn, được giao trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước nhưng trong quá trình triển khai dự án đã không làm hết trách nhiệm, làm sai, dẫn đến việc thất thoát lãng phí tài sản nhà nước đặc biệt lớn”, lời kiểm sát viên.
Tiếp lời, đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa cho rằng hành vi của các bị cáo còn phát sinh nhiều tài sản hiện bị hư hỏng. Hành vi đó không chỉ gây thiệt hại tài sản, tác động xấu kinh doanh mà còn tác động gián tiếp tiến trình phát triển nền kinh tế, gây mất niềm tin trong xã hội. “Dự án không thực hiện mặc dù TISCO và các bộ, ngành đã tìm ra nhiều giải pháp song đến nay vẫn đắp chiếu”, kiểm sát viên nói.
Sau khi phân tích, kiểm sát viên cho rằng bản án sơ thẩm kết tội các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật và không oan. Xét vai trò, tính chất của từng bị cáo, VKS nhận thấy bản án sơ thẩm áp dụng hình phạt tù và mức bồi thường dành cho các bị cáo là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dự án được triển khai ở thời điểm kinh tế khủng hoảng, các đối tác vi phạm hợp đồng, TISCO cũng đã có văn bản yêu cầu đối tác thực hiện hợp đồng.
Trong vụ án này, các bị cáo không vụ lợi, có nhân thân tốt. Các bị cáo không bị tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng nào mà đều được tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng tình tiết giảm nhẹ. Mức án mà tòa án cấp sơ thẩm áp dụng với các bị cáo là phù hợp, đã thể hiện tính khoan hồng của pháp luật đối với các bị cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo có xuất trình các tình tiết như văn bản đề nghị giảm nhẹ của các cơ quan tổ chức, nhiều bị cáo đã khắc phục một phần hoặc hoàn toàn tiền phải bồi thường. Tuy nhiên, tổng số tiền khắc phục chưa đủ nửa số tiền thiệt hại (hơn 830 tỉ đồng) theo quy định pháp luật để làm căn cứ xem xét.
Theo đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX giữ nguyên mức án 9 năm 6 tháng tù với bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu Tổng Giám đốc Cty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. 9 bị cáo có đơn xin giảm nhẹ hình phạt, giảm bồi thường về tội danh trên và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng bị đại diện VKS đề nghị bác kháng cáo, y án sơ thẩm. Riêng có hai bị cáo tại phiên toà phúc thẩm đã trình tài liệu khắc phục được toàn bộ khoản tiền phải bồi thường nên được VKS đề nghị giảm án.
TISCO không yêu cầu bồi thường, kiểm sát viên nói gì?
Cũng như phiên tòa sơ thẩm, tại phiên phúc thẩm lần này, đại diện TISCO tiếp tục khẳng định công ty không yêu cầu các bị cáo bồi thường 830 tỷ đồng vì còn đang đề nghị MCC và các nhà thầu khác phải tiếp tục thực hiện theo các nội dung trong Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Ngoài ra, TISCO còn cho rằng việc đánh giá thiệt hại 830 tỷ đồng là chưa đầy đủ vì theo Kết luận thanh tra thì số tiền thiệt hại lớn hơn.
Trước quan điểm này, kiểm sát viên cho rằng, TISCO có 65% vốn của Nhà nước. Vậy với lý do và tư cách gì mà TISCO không đòi bồi thường? Dự án này 30 tháng phải hoàn thành nhưng đã qua 14 năm rồi vẫn chưa xong, tại sao TISCO lại bảo không có thiệt hại? Tài sản nhà nước không được quyền thỏa thuận. TISCO không có quyền định đoạt 65% vốn nhà nước trong công ty mình.
Tiếp đó, đại diện TISCO nói thêm, đến thời điểm hiện tại, Hợp đồng EPC số 01 chưa thanh lý, các bên vẫn đang đàm phán để tiếp tục khắc phục. TISCO cũng đang nghiên cứu, đề xuất cấp trên về khả năng khởi kiện MCC cùng các nhà thầu phụ, trong trường hợp kiện và được bồi thường thì số tiền này sẽ đưa vào doanh thu, bù đắp các tổn thất của dự án. |
Hồng Mây - Pháp luật Plus