Đề xuất các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn Thành phố
Kinhte&Xahoi
Sáng 6/6, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố quy định một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố chủ trì hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị
Dự thảo Nghị quyết nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành phố về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thành phố; Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại, hộ gia đình huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, bền vững, thân thiện môi trường.
Về quan điểm, nguyên tắc xây dựng chính sách sẽ tập trung vào một số khâu, lĩnh vực nhằm thúc đẩy các tổ chức, cá nhân huy động nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, hướng tới sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện đại hoá nông nghiệp, phát triển nông nghiệp của Thủ đô có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường; gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp hướng tới nền nông nghiệp đa giá trị.
Tập trung hỗ trợ cho phát triển các đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản có lợi thế, có năng suất, giá trị gia tăng cao như: Sản xuất rau, hoa, quả, chè, chăn nuôi bò sữa, bò thịt, lợn, nuôi trồng thủy sản; hiện đại hóa nông nghiệp; bảo vệ môi trường; phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, trải nghiệm.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách trên địa bàn Thành phố khoảng 1.101,5 tỷ đồng/năm. Trong đó: Ngân sách Thành phố: 294,3 tỷ đồng/năm (Thành phố thực hiện: 130,9 tỷ đồng/năm; Cấp bổ sung cho ngân sách cấp huyện: 163,5 tỷ đồng/năm); Ngân sách cấp huyện: 47,28 tỷ đồng/năm; Nguồn kinh phí đối ứng từ các tổ chức, cá nhân: 759,886 tỷ đồng/năm.
Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đóng góp ý kiến
Góp ý tại Hội nghị, ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết: Những năm qua, Hà Nội đã ban hành nhiều Nghị quyết và cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều thành tựu tích cực. Tuy nhiên, một số chính sách vẫn chưa thực sự mang lại kết quả như mong muốn, chưa khuyến khích được doanh nghiệp và người lao động. Sản xuất nông nghiệp Hà Nội chưa tạo ra được bước chuyển biến đột phá rõ rệt, một số lĩnh vực còn trì trệ… Những mặt hạn chế nói trên do nhiều nguyên nhân, trong đó, có vấn đề chính sách chưa thỏa đáng và quản lý còn hạn chế, chưa theo tình hình đổi mới.
“Tình hình đó đòi hỏi chính quyền Thành phố cần sớm nắm bắt, đón đầu để kịp thời nghiên cứu, bổ sung, ban hành Nghị quyết mới để đáp ứng những yêu cầu của thực tế sản xuất nông nghiệp Hà Nội đang đòi hỏi cũng như khắc phục những hạn chế vừa qua để hỗ trợ khuyến khích sản xuất nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phát triển xứng đáng với tiềm năng vốn có. Do đó, dự thảo tờ trình cần bổ sung làm rõ thêm thực trạng sản xuất nông nghiệp Hà Nội hiện nay trên những nét chính liên quan đến 11 nhóm chính sách”, ông Phạm Ngọc Thảo chia sẻ.
Tiến sĩ Bùi Thị Xô, Nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đóng góp ý kiến
Còn Tiến sĩ Bùi Thị Xô, Nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội lại cho biết, cách xây dựng Dự thảo chính sách, khuyến khích phát triển nông nghiệp và nông thôn thành phố Hà Nội có nhiều tiến bộ như tập trung đầu tư không dàn trải cũng như lấy được nhiều ý kiến của tất cả các huyện và ban, ngành. Tuy nhiên, trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao còn hạn chế cả cây trồng lẫn vật nuôi. Lý do chính là vướng mắc về chính sách thu hồi, giao đất, cho thuê đất lâu năm. “Hướng phát triển nông nghiệp Thủ đô là hướng phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp du lịch sinh thái. Đây là hướng phát triển rất hiệu quả của nông nghiệp, do đó, trong dự thảo Nghị quyết cần bổ sung “chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp du lịch sinh thái”.
Ở góc độ khác, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dĩnh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tờ trình cần nêu bật, rõ và thuyết phục hơn về sự cần thiết ban hành chính sách. Trong dự thảo đưa ra 11 chính sách nhưng còn tản mạn, tách rời nhau, khó đầu tư một cách có hiệu quả và khó thành vùng tập trung chuyên canh cũng như thành trung tâm sản xuất giống công nghệ cao của Thành phố. Do đó, nên tích hợp các chính sách riêng lẻ, tản mạn thành chính sách chung cho vùng với các chính sách, thành phần đồng bộ để có thể phát triển hiệu quả hơn, tập trung hơn.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cảm ơn và ghi nhận 12 ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc của các đại biểu đã đóng góp tại hội nghị. Đồng chí Nguyễn Lan Hương cho rằng, các ý kiến đều khẳng định rõ vai trò, vị trí của nông nghiệp Thủ đô, tiềm năng của nông nghiệp Thủ đô cũng như quyết tâm của lãnh đạo Thành phố khi thực hiện việc này. Trong đó, các ý kiến của các đại biểu đều dánh giá cao dự thảo Nghị quyết được soạn thảo công phu, chi tiết, có tính kế thừa. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương thống nhất cao với 11 chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó, có nhưng chính sách đã có, khẳng định nét đặc thù hơn, tập trung hơn của Thành phố. Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết đã tiếp cận ngay với Luật Thủ đô sửa đổi, tránh sự trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn chính sách.
Đề xuất nội dung các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội, gồm:
Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường;
Chính sách khuyến khích sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản;
Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản;
Chính sách hỗ trợ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung;
Chính sách thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp;
Chính sách chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản;
Chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
Chính sách hỗ trợ cấp mã số vùng trồng;
Chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp;
Chính sách bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp;
Chính sách xây dựng mô hình điểm phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, trải nghiệm.
|
Vương Vân - HNP