Đề xuất định danh tài khoản người dùng Facebook, Zalo bằng số điện thoại
Kinhte&Xahoi
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Quy định mới về xác thực tài khoản mạng xã hội
Nội dung đầu tiên được đề xuất bổ sung trong dự thảo nghị định thay thế là bổ sung quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam.
Theo Bộ TT&TT, tại điểm a khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng đã có quy định các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm “Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số” và cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Tuy nhiên, do chưa có quy định hướng dẫn Luật An ninh mạng về nội dung này nên các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội trong và ngoài nước chưa thể triển khai quy định này.
Thực tế quản lý cho thấy, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng, và cũng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm người dùng mạng xã hội khi đăng tải nội dung thông tin lên mạng, Bộ TT&TT nhận thấy cần thiết phải bổ sung quy định mạng xã hội trong nước và ngoài nước cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam phải xác thực tài khoản người dùng qua số điện thoại di động tại Việt Nam khi đăng ký thiết lập tài khoản mạng xã hội.
Theo Bộ TT&TT, quy định này có tính khả thi khi hiện nay đa phần các mạng xã hội trong và ngoài nước đều đã yêu cầu xác thực bằng số điện thoại người dùng. Việc bổ sung quy định này sẽ cụ thể hóa hình thức này và tạo sự đồng bộ trong việc xác thực người dùng đối với cả mạng xã hội trong và ngoài nước.
Khóa tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung
Cũng liên quan đến người dùng Internet, dự thảo bổ sung quy định khóa tài khoản, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung.
Theo Bộ TT&TT cho biết, bên cạnh việc bổ sung quy định tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên mạng phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật, thì việc đề xuất bổ sung thêm quy định yêu cầu các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia là rất cần thiết.
Quy định này sẽ giúp giải quyết cơ bản nguồn vi phạm, cũng như giảm thời gian và nguồn lực của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chặn gỡ từng nội dung vi phạm như hiện nay.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Đây là biện pháp xử lý nhanh với những cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ internet để cung cấp nội dung chống phá Đảng và Nhà nước trên môi trường mạng, nhất là sử dụng dịch vụ livestream trên các mạng xã hội.
Theo đó, dự thảo bổ sung quy định yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ Internet để cung cấp nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đối với hoạt động livestream, đây vốn là hình thức thông tin tác động, ảnh hưởng nhanh tới xã hội, do đó Bộ TT&TT đề xuất cần phải bổ sung quy định để quản lý tính năng này.
Theo đó, chỉ các mạng xã hội có Giấy phép mạng xã hội (tổ chức, doanh nghiệp trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ TT&TT (tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam) mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream); các hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.
Hồng Thương - Pháp luật Plus