Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, ổn định giá các mặt hàng thiết yếu
Kinhte&Xahoi
Ngày 29-3, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến tính mạng, sức khỏe, việc làm, thu nhập, đời sống của công nhân, lao động. Lương tối thiểu của người lao động không tăng trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng, dẫn đến thu nhập thực tế của người lao động giảm khoảng 10% so với năm 2019.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội trao hỗ trợ cho người lao động tại Thủ đô.
Vì vậy, người lao động đã phải tiết kiệm triệt để các khoản chi tiêu, sử dụng đến khoản tiền tích lũy ít ỏi để đương đầu với những khó khăn, thiếu thốn của cuộc sống hằng ngày.
Do quá khó khăn, một số người lao động đã cầm cố sổ bảo hiểm xã hội, rút bảo hiểm xã hội một lần… Nhiều người lao động sau khi về quê tránh dịch đã không trở lại thành phố, khu công nghiệp.
Tất cả những lý do trên đã tác động tiêu cực đến nguồn nhân lực, gián tiếp ảnh hưởng đến việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Với vai trò, trách nhiệm của mình, tổ chức Công đoàn đã chủ động, tích cực vào cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong đoàn viên, người lao động; kịp thời ban hành hàng chục chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động, lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, bên cạnh các chính sách, gói hỗ trợ, các chính sách tài khóa, rất cần các giải pháp thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, trực tiếp là chăm lo, hỗ trợ công nhân, lao động.
Ông Nguyễn Đình Khang cho rằng, trước mắt, các cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết thật thuận lợi những chính sách trực tiếp hỗ trợ người lao động đã được ban hành như: Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, chi trả các chế độ, quyền lợi cho người lao động liên quan đến Covid-19…
Trong điều kiện nền kinh tế bắt đầu hồi phục, Hội đồng Tiền lương quốc gia cần sớm thống nhất, đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng, đồng thời có giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân và công nhân, lao động; xây dựng và thực hiện các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi nghề nhằm bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt cho thị trường lao động.
Hà Phong - Hà Nội mới