Không còn doanh thu từ chuyển nhượng dự án, lợi nhuận giảm mạnh
Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 50 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 693 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017.
Bản Báo cáo tài chính cho biết, nguyên nhân khiến doanh thu thuần trong quý này sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước là do công ty chỉ mới ghi nhận một phần doanh thu của dự án Nhơn Đức (45 tỷ đồng), doanh thu từ chung cư Phú Mỹ 4,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, cùng kỳ năm 2017, doanh thu của Vạn Phát Hưng hơn 681 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 3 khối chung cư 3, 4 và 6 La Casa.
Dự án khu căn hộ Phú Mỹ của Vạn Phát Hưng.
Ngoài ra, doanh thu tài chính trong kỳ cũng giảm mạnh, chỉ đạt 20 triệu đồng, trong khi cùng kỳ là 189 triệu đồng. Mặc dù chi phí tài chính giảm hơn 2 tỷ đồng, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng gần gấp đôi, từ 7,5 tỷ đồng quý 3/2017 lên 15,2 tỷ đồng trong quý 3/2018.
Nhờ ghi nhận lợi nhuận khác 5 tỷ đồng nên Vạn Phát Hưng lãi sau thuế 12,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 175 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả hoạt động kinh doanh, Vạn Phát Hưng cho biết công ty đang triển khai đẩy nhanh công tác bán hàng và bàn giao các nền đất còn lại của dự án Nhơn Đức nhằm đạt được chỉ tiêu lợi nhuận mà đại hội cổ đông năm 2018 đã thông qua.
Từ “đế chế” BĐS phía Nam đến hoạt động lay lắt
Công ty Vạn Phát Hưng được thành lập từ năm 1999 do 2 thành viên sáng lập là ông Võ Anh Tuấn và ông Trần Văn Thành. Giai đoạn từ năm 2000 – 2005 doanh nghiệp này đã triển khai thực hiện hàng loạt dự án có quy mô lớn như: Khu dân cư Phú Thuận, Khu dân cư Phú Mỹ, Khu dân cư Phú Xuân...
Thời điểm đó, Vạn Phát Hưng là một trong những doanh nghiệp “có tên tuổi” trên thị trường BĐS, đặc biệt là khu vực phía Nam. Nhờ việc tham gia thị trường bất động sản từ sớm nên Vạn Phát Hưng đã tích lũy được quỹ đất có giá rẻ. Từ đó đạt được kết quả kinh doanh rất khả quan.
Đến năm 2009, cổ phiếu của Vạn Phát Hưng được chính thức niêm yết trên sàn HOSE. Đây cũng được xem là giai đoạn phát triển “rực rỡ” nhất của doanh nghiệp này bởi thị trường BĐS thời kỳ này vô cùng sôi động.
Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, Vạn Phát Hưng cũng trải qua một giai đoạn khó khăn khi thị trường trầm lắm, doanh nghiệp kinh doanh liên tục thua lỗ.
Thế nhưng qua cơn khủng hoảng, ngay khi thị trường phục hồi, nhiều doanh nghiệp BĐS khác đã bắt đầu khởi sắc thì Vạn Phát Hưng vẫn tiếp tục sa lầy, chưa tìm được lối ra.
Giai đoạn 2011 – 2014, công ty phải hoạt động theo kiểu lay lắt. Đến năm 2015, kết quả kinh doanh quý 3/2015 của công ty này với doanh thu chỉ bằng một nửa cùng kỳ, đồng thời lỗ gần 8 tỷ đồng.
Một góc dự án Khu phức hợp La casa của Vạn Phát Hưng.
“Chật vật” trong các hoạt động kinh doanh, Vạn Phát Hưng đã chuyển hướng tìm đối tác chuyển nhượng dự án để vừa có tiền trả lãi vừa có thêm vốn để triển khai các dự án dở dang.
Trong đó, thương vụ đáng chú ý là vào đầu năm 2017, Vạn Phát Hưng đã bán bảy block của dự án La Casa cho An Gia Investment. Điều này đã công ty thu về 910 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 325 tỉ đồng.
Kết quả kinh doanh trong năm 2017, Vạn Phát Hưng đạt doanh thu 1.384 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với con số đạt được hơn 400 tỷ của năm 2016; lợi nhuận sau thuế là 191 tỷ, cũng gấp hơn 2 lần năm ngoái.
Kế hoạch năm 2018, Vạn Phát Hưng đặt mục tiêu giảm mạnh so với con số đạt được năm ngoái. Cụ thể, doanh thu dự kiến ở mức hơn 880 tỷ, lãi ròng dự kiến hơn 165 tỷ, giảm lần lượt 36% và 13% so với thực hiện năm 2017.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 được tổ chức vào hồi tháng 3, lãnh đạo công ty Vạn Phát Hưng đã chia sẻ về kế hoạch đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp này.
Theo đó, HĐQT Vạn Phát Hưng quyết định sẽ đầu tư vào hai lĩnh vực chính là bất động sản và khai thác dịch vụ trên bất động sản, cụ thể là dịch vụ dưỡng lão cho người lớn tuổi. Hai thị trường mà công ty “nhắm” đến là Mỹ, Nhật Bản, vốn có tình trạng dân số già hóa...
Theo KD&PL