Thời gian gần đây, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về sự mập mờ trong hoạt động của Viện thẩm mỹ Ruby Beauty Center. Những dịch vụ làm đẹp được quảng cáo rầm rộ từ tiểu phẫu cho đến đại phẫu. Lần theo thông tin trên các trang mạng xã hội, Viện thẩm mỹ Ruby Beauty Center đưa ra hàng loạt “mỹ từ” quảng cáo cho các dịch vụ làm đẹp từ nâng mũi bọc sụn, nâng mũi cấu trúc, nhấn mí đa điểm, cắt mí, độn cằm, nâng ngực.
Trong vai một khách hàng có nhu cầu làm đẹp, PV liên hệ đến số điện thoại holine 0898887*** và được một người tự xưng là bác sỹ Cường tiếp chuyện.
Sau khi nghe khách hàng có nhu cầu nâng mũi, vị bác sĩ này đã nhiệt tình tư vấn các về các gói làm đẹp và đảm bảo có giấy tờ bảo hành. Để tạo thêm niềm tin cho khách hàng, người này còn "nổ" rằng mình đã có 8 năm kinh nghiệm làm bác sĩ và đã từng làm việc ở Bệnh viện Vạn Hạnh, Thiện Mỹ, Kangnam.
Đặc biêt, vị "bác sĩ" này khẳng định với PV rằng, ông ta học chuyên khoa răng hàm mặt, còn chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ chỉ là học qua. Kết thúc cuộc trao đổi qua điện thoại, vị bác sĩ hẹn gặp PV tại nơi làm việc để tư vấn cụ thể hơn.
Viện thẩm mỹ Ruby Beauty Center của "bác sĩ" Cường.
Thông qua địa chỉ trên fanpage, PV đã có mặt tại địa chỉ khu biệt thự Hà Đô số 118 đường 3/2, P. 12, Q.10 để tìm gặp người đàn ông tư xưng là bác sĩ Cường.
Sau một vài lần ghé đến cơ sở của Viện thẩm mỹ Ruby Beauty Center, PV được tiếp đón bởi một người đàn ông tên P., giới thiệu là người phụ bác sỹ Cường. Qua thông tin từ người này cho biết, khách hàng đông nên bác sĩ Cường có lịch làm việc và mổ hầu như kín lich.
Người đàn ông tên P. tiết lộ thêm, bác sĩ Cường đã từng làm ở nhiều bệnh viện lớn và có nhiều kinh nghiệm thẩm mĩ.
“Bác sỹ Cường tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM và đã từng có thời gian làm cho nhiều nơi lớn như Kangnam. Tại Viện thẩm mỹ Ruby Beauty Center có 3 bác sỹ hợp tác cùng làm với nhau. Trong đó, bác sỹ Cường là người chịu trách nhiệm chính các ca mổ”, người đàn ông tên P. nói.
Tiếp đó, người này dùng tay nắn bóp và kiểm tra bên ngoài mũi của PV. Sau một hồi các thao tác, người này cho biết phải làm mũi cấu trúc thì mới đẹp. Theo người này, đối với các ca phẫu thuật “đơn giản” như nâng mũi thì khi nào bác sĩ Cường về tới sẽ thực hiện luôn vì ở đây có đầy đủ phòng phẫu thuật. Còn đối với các ca đại phẫu mới cần phải đưa khách hàng vào bệnh viện lớn để làm.
Khoảng 30 phút sau, có một người về tới và tự xưng là bác sĩ Cường. Lúc này, PV được đưa cho xem một tờ “giấy cam kết” với nội dung: “Phía Viện thẩm mỹ Ruby Beauty: Sau 3 tháng, nếu khách hàng không hài lòng với kết quả phẫu thuật thì VTM có trách nhiệm sửa lại cho khách hàng, hoặc rút chất liệu ra VTM sẽ hoàn lại 20 % chi phí ban đầu. Phía bệnh nhân: Đã được Bác sỹ và chuyên viên tư vấn giải thích rõ mọi thủ tục…”
Để có những thông tin xác thực về việc hoạt động thẩm mỹ tại Viện thẩm mỹ này, PV đã thu thập thông tin từ cổng thông tin cấp chứng chỉ hoạt động hành nghề Y của Sở y tế TP.HCM và thu được kết quả ông Nguyễn Tiến Cường (người tự xưng là bác sỹ Cường tại Viện thẩm mỹ Ruby Beauty Center) chỉ là Điều dưỡng gây mê hồi sức. Theo đó, người này có số chứng chỉ là 0021725/HCM-CCHN và được cấp vào ngày 02/06/2014.
Như vậy, đồng nghĩa với việc, vị bác sĩ Cường của Viện thẩm mỹ Ruby Beauty Center chỉ là cái danh “ảo”. Thực chất, người này đang tự gắn mác bác sĩ lên người để thực hiện các “chiêu trò”, tạo niềm tin để lừa đảo khách hàng.
Điều đáng nói, mọi thông tin quảng cáo của Viện thẩm mỹ Ruby Beauty Center lại được lăng xê một cách công khai nhưng các cơ quan chức năng lại không có bất kỳ động thái nào. Phải chăng, các cơ quan như Sở Y tế TP.HCM đang còn “ngủ quên” và chưa kịp phát hiện? Hay, trách nhiệm không thuộc về những cơ quan này? Thiết nghĩ, Phòng y tế quận 10, Thanh tra Sở Y tế cần sớm vào cuộc để xác minh thông tin trên và xử lý triệt để nếu có tình trạng sai phạm như chúng tôi phản ánh.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định, cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép đối với cơ sở khám, chữa bệnh thì cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm; phải có địa điểm cố định; bảo đảm các điều kiện vệ sinh; có đủ thiết bị, dụng cụ, vật tư phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.
Theo quy định tại Nghị định 109/2016-NĐ-CP, các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. |
Theo Khỏe 365/ GĐPL