Bộ Y tế: EVUSHELD không được phép sử dụng để dự phòng COVID-19

19/03/2022 11:30

Kinhte&Xahoi Chiều 18/3, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế phát đi thông tin khẳng định EVUSHELD là thuốc, không phải là "siêu vắc xin", không được phép sử dụng EVUSHELD để dự phòng COVID-19 cho các đối tượng có thể tiêm vắc xin.

Để đa dạng nguồn cung thuốc phòng và điều trị COVID-19, Bộ Y tế đã căn cứ các quy định hiện hành để cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc EVUSHELD đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.

Cho đến nay, EVUSHELD đã được cấp phép lưu hành trong tình trạng khẩn cấp tại một số quốc gia như: Mỹ, Pháp, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain...

Hỗn hợp kháng thể đơn dòng Evusheld của AstraZeneca (Ảnh minh họa)

EVUSHELD là thuốc, không phải vắc xin. EVUSHELD không chỉ định dùng thay thế cho vắc xin COVID-19 đối với những trường hợp có thể tiêm được vắc xin.

Bản chất, EVUSHELD gồm 1 liều kháng thể đơn dòng tixagevimab và 1 liều kháng thể đơn dòng cilgavimab.

Việc sử dụng thuốc cần phải được bác sỹ đánh giá thỏa đáng và sàng lọc chặt chẽ trước khi được xác định là đối tượng sử dụng phù hợp.

Một liều thuốc được chỉ định để dự phòng mắc bệnh COVID-19 trong thời gian ít nhất 6 tháng (với các dữ liệu hiện có) cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi có cân nặng từ 40kg trở lên với điều kiện các đối tượng này không đang nhiễm SARS-CoV-2 và không có tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2 được xác định và phải thuộc một trong các trường hợp.

Trường hợp có suy giảm miễn dịch mức độ vừa đến nặng do một tình trạng bệnh lý hoặc sử dụng các thuốc hoặc phác đồ điều trị ức chế miễn dịch và có khả năng không tạo được đáp ứng miễn dịch thỏa đáng đối với vắc xin COVID-19.

Trường hợp không thể tiêm bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào hiện có vì có tiền sử xảy ra tác dụng ngoại ý nghiêm trọng (ví dụ như dị ứng nặng) với bất kỳ thành phần nào của vắc xin COVID-19.

Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, các tình trạng y khoa hoặc phương pháp điều trị có thể dẫn tới suy giảm miễn dịch mức độ vừa đến nặng và đáp ứng miễn dịch không thỏa đáng đối với vắc xin COVID-19 bao gồm nhưng không giới hạn: Đang điều trị đối với các khối u đặc và bệnh lý huyết học ác tính, Cấy ghép nội tạng và đang điều trị với liệu pháp ức chế miễn dịch; Tiếp nhận tế bào lympho T chứa thụ thể kháng nguyên dạng khảm (CAR)-T hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu (trong vòng 2 năm sau khi cấy ghép hoặc đang điều trị ức chế miễn dịch).

Suy giảm miễn dịch nguyên phát mức độ vừa đến nặng (ví dụ, hội chứng DiGeorge, hội chứng Wiskott-Aldrich).

Nhiễm HIV giai đoạn tiến triển hoặc chưa được điều trị (những người nhiễm HIV với số lượng tế bào CD4 <200>

Điều trị tích cực bằng corticosteroid liều cao (nghĩa là ≥20 mg prednisone hoặc tương đương mỗi ngày khi dùng trong ≥ 2 tuần), tác nhân alkyl hóa, chất chống chuyển hóa, thuốc ức chế miễn dịch liên quan đến cấy ghép, tác nhân hóa trị ung thư được phân loại là ức chế miễn dịch mức độ nặng, thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF), và các tác nhân sinh học khác có tác dụng ức chế miễn dịch hoặc điều hòa miễn dịch (ví dụ, tác nhân ức chế tế bào B).

Hiện nay, EVUSHELD chưa được cấp phép sử dụng ở đối tượng đang điều trị COVID-19, hoặc dự phòng sau phơi nhiễm COVID-19 ở những người đã tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2.

Tại Việt Nam, EVUSHELD được cấp giấy phép nhập khẩu để sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh.

Người bệnh phải được cơ sở khám chữa bệnh thông tin về tình trạng hồ sơ cấp phép của thuốc và cơ sở chỉ được sử dụng thuốc khi có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà của bệnh nhân.

Như vậy, EVUSHELD là thuốc, không phải là “siêu vắc xin”, không được phép sử dụng EVUSHELD để dự phòng COVID-19 cho các đối tượng có thể tiêm vắc xin.

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Doanh nghiệp du lịch cần xây dựng kế hoạch đón khách an toàn

Theo Tổng cục Du lịch, ngày 15/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Phương án số 829/PA-BVHTTDL về mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Trong đó có những nội dung, giải pháp doanh nghiệp cần triển khai để đón khách du lịch an toàn, hiệu quả.

Cẩn trọng khi tăng nuôi tôm và cá tra xuất khẩu

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực nuôi tôm và cá tra lớn nhất cả nước, phần lớn dành cho xuất khẩu. Từ đầu năm 2022 đến nay, cùng với tín hiệu vui khi giá các loại thủy sản này tăng cao, còn có những vấn đề vướng mắc cần được giải quyết để ngành Thủy sản phát triển bền vững trong thời gian tới.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/evusheld-khong-duoc-phep-su-dung-de-du-phong-covid-19-192161.html