Cảnh báo an toàn lao động trong thời tiết nắng nóng

20/06/2021 16:35

Kinhte&Xahoi Với nền nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C, không ít người dân ở Hà Nội đang phải gồng mình trước cái nóng đến cháy da cháy thịt, vật lộn với cuộc sống mưu sinh, quên cả an toàn sức khoẻ cho bản thân.

Chật vật những ngày “đổ lửa”

 Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn mạnh nên trong những ngày vừa qua, ở Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 38 - 41 độ, có nơi trên 41 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày trong đợt nắng nóng này, phổ biến 40 - 55%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10 - 19 giờ. Theo nhận định của các chuyên gia khí tượng, đây có thể coi là một trong những đợt nắng nóng đỉnh điểm trong năm, tác động tiêu cực đến đời sống người dân.

Điều này hoàn toàn có cơ sở, khi đi trên đường phố Hà Nội vào giữa  trưa hay buổi chiều, ai cũng đều cảm nhận hơi nóng hầm hập bốc lên từ mặt đường gây cảm giác nóng bức, rát da, thậm chí như cháy da, khó chịu trong người. Vào buổi tối, dù đã bật hết công suất các thiết bị điện trong nhà thì cái không khí nóng bức vẫn đeo bám.

 Những công nhân vệ sinh môi trường cặm cụi làm việc dưới thời tiết nắng nóng khắc nghiệt (Ảnh: Vân Nhi)

Thời tiết khắc nghiệt là thế, song trên nhiều tuyến phố Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những công nhân vệ sinh môi trường, thoát nước, cảnh sát giao thông và cả những người làm xe ôm,… chật vật làm việc, mưu sinh giữa tiết trời nắng như đổ lửa. Ai cũng mong công việc sớm kết thúc để có thể  nghỉ ngơi, uống ngụm nước hay thậm chí chợp mắt nơi góc phố, vỉa hè, trên chiếc xe máy…

Anh Nguyễn Thế Vinh, tài xế xe ôm công nghệ cho cho biết, cả ngày chạy ngoài đường, hơi nóng lúc nào cũng bốc lên vô cùng khó chịu và mệt mỏi. Chỗ nào hở da là bị đổi màu cháy xám. Chạy được vài cuốc, chúng tôiphải nhanh chóng tìm nơi có bóng râm hay tán cây để uống nước, nghỉ ngơi. "Dù nắng nóng  không ai muốn ra ngoài đường nhưng với chúng tôi, có khách gọi giữa lúc dịch giã thế này cũng là tốt rồi” - anh Vinh chia sẻ.

Lau vội những giọt mồ hôi đang chảy thành dòng trên khuôn mặt rám nắng, một nữ công nhân vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Đống Đa chia sẻ: “Thời tiết như này rất nguy hiểm, làm việc ngoài trời trong một thời gian ngắn cũng đủ khiến người ta bị say nắng. Mặc dù vậy, chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng, vượt qua thử thách của thời tiết để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện thu gom rác đảm bảo đúng giờ, đúng quy định, góp phần bảo vệ môi trường Thủ đô luôn sạch đẹp.”

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng khoa Y tế Công cộng & Điều dưỡng (Trường ĐH Quang Trung), nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế, Bộ Y tế, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, những người thường xuyên phải làm việc, di chuyển ngoài trời có thể bị say nóng, say nắng. Đặc điểm chung của say nóng và say nắng là dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt và triệu chứng tổn thương thần kinh trung ương.

Triệu chứng kinh điển là tăng thân nhiệt  trên 40 độ C và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp có dấu hiệu nhẹ ban đầu như nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da (do cơ chế thải nhiệt- giãn mạch dưới da), có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Biểu hiện nặng hơn nếu không được xử lý kịp thời: tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, co giật và hôn mê. Khi thân nhiệt tăng quá cao còn gây mất điện giải nặng, rối loạn thăng bằng nội môi, có thể xuất huyết do rối loạn đông máu nặng, nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong

Ðáng chú ý, chỉ số tia cực tím (UV) tại Hà Nội những ngày vừa qua, nhất là trong ngày 20/6 ở ngưỡng 9 và dự báo có khả năng ở mức 10, ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao, có thể gây bỏng da trong 25 phút tiếp xúc. Nếu chỉ số UV từ mức 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ

 Người lao động làm việc tại chợ Đồng Xuân dưới thời tiết nắng nóng (Ảnh: Phạm Hùng)

Sẽ còn nắng nóng với nền nhiệt cao hơn

Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết - Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, đợt nắng nóng này sẽ kéo dài đến hết ngày 21/6. Từ ngày 22/6, nắng nóng suy giảm ở Bắc Bộ và có khả năng kết thúc từ ngày 23/6; ở Trung Bộ nắng nóng dịu dần nhưng còn duy trì trong những ngày sau đó. Trong những ngày tiếp theo, nhiều khu vực trên phạm vi cả nước chiều tối và đêm có mưa rào và dông.

Cảnh báo về những tác động của nắng nóng, ông Trần Quang Năng thông tin thêm, với thời tiết nắng nóng đặc biệt gay gắt sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ. Thời gian tới, tại Hà Nội sẽ còn có những đợt nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao hơn.

Để phòng tránh tác hại của nắng nóng kéo dài, nhất là đảm bảo an toàn cho người lao động, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo người dân nếu phải ra ngoài khi trời nắng nóng cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng. Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động, làm việc dưới trời nắng. Quan trọng  là cần uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. “Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, không nên tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.” – PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết.

 Hà Ánh - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lần đầu tiên vải tươi Việt Nam bán tại Hà Lan

Ngày 20/6, Bộ Công Thương thông tin, nhằm quảng bá quả vải tươi của Việt Nam đến với người Hà Lan, ngày 19/6, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan phối hợp với công ty LTP Import Export BV và siêu thị Thanh Hùng tổ chức Chương trình “Vietnam fresh golden lychees – Taste it, love it” tại siêu thị Thanh Hùng (TP Spijkenisse, Nam Hà Lan).

Báo chí - doanh nghiệp: Mối quan hệ win - win

Mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp (DN) là mối quan hệ tương hỗ - “win - win” để cùng phát triển. Mối quan hệ này ngày càng phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang căng mình chống dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/canh-bao-an-toan-lao-dong-trong-thoi-tiet-nang-nong-424266.html