Cảnh giác trước mối nguy xao nhãng, chủ quan, lơi lỏng cách ly phòng dịch

13/04/2020 10:34

Kinhte&Xahoi Cuộc chiến với đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) đã có những tín hiệu tích cực khi số ca nhiễm ở một số “điểm nóng” trên thế giới có xu hướng giảm. Ở Việt Nam, niềm vui cũng đã đến với các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khi lệnh phong tỏa bệnh viện được dỡ bỏ đêm 12-4. Nhưng đây chưa phải là lúc có thể xao nhãng, chủ quan, lơi lỏng với các biện pháp cách ly xã hội phòng dịch trong cộng đồng.

 

Giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng để ngăn Covid-19 lan rộng

Cảnh giác với nguy cơ “hồi sinh” chết người của dịch bệnh

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo các nước nên thận trọng về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng chống sự lây lan của Covid-19. Phát biểu trong một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh việc dỡ bỏ những biện pháp hạn chế có thể dẫn đến sự “hồi sinh” chết người của dịch bệnh. 

WHO phải đưa ra cảnh báo bởi hiện nay, một số nước đang lên kế hoạch nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội vốn được áp dụng nghiêm ngặt hàng tháng qua. Ở Đan Mạch, Thủ tướng Mette Frederiksen cho biết nước này có kế hoạch mở cửa trở lại các điểm trông giữ trẻ và trường học vào ngày 15-4 và coi đây là bước đầu tiên nhằm dần nới lỏng lệnh phong tỏa kéo dài ba tuần tại nước này. Chính phủ CH Czech cũng đã nhất trí sẽ nới lỏng một số biện pháp phong tỏa sau khi số ca bệnh Covid-19 tại nước này giảm.

Ngoài Đan Mạch và CH Czech, chính phủ một số nước châu Âu cũng bắt đầu chuẩn bị nới lỏng các biện pháp cách ly. Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ và Phần Lan đã thành lập các ủy ban chuyên gia để nghiên cứu giảm dần các biện pháp cách ly và hạn chế nghiêm ngặt nhằm cứu vãn nền kinh tế có nguy cơ khủng hoảng bởi Covid-19.

Ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ sớm thành lập một hội đồng có nhiệm vụ tập trung vào quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế của nước này. Thành viên của hội đồng sẽ được công bố vào ngày 13-4 và sẽ bao gồm những bác sĩ giàu kinh nghiệm, các doanh nhân, thống đốc các bang. Hiện ông Donald Trump đang nỗ lực tìm cách khôi phục lại nền kinh tế Mỹ sau nhiều tuần áp dụng các biện pháp chặt chẽ trong xã hội để hạn chế khả năng lây lan của Covid-19. 

Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, việc dỡ bỏ quá sớm các hạn chế có thể dẫn tới sự bùng phát trở lại của dịch bệnh. Ghi nhận những diễn biến về dịch chậm lại ở một số nước châu Âu như Italy, Đức, Tây Ban Nha và Pháp, nhưng ông Tedros cho rằng các quốc gia nên thận trọng trong việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, ngay cả khi các biện pháp này ảnh hưởng tới kinh tế, nếu không xử lý hợp lý, quá trình nới lỏng các quy định có thể nguy hiểm như thời điểm dịch bệnh lây lan.

Trên thực tế, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành trên khắp toàn cầu.  Theo con số thống kê, đến sáng 12-4 (giờ Việt Nam), dịch Covid-19 đã lây lan tới 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 1.779.099 ca nhiễm, 108.770 ca tử vong và hiện vẫn còn 50.584 bệnh nhân đang trong tình trạng bệnh nặng và nguy kịch. Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong cao nhất thế giới, tiếp theo là Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Anh. Hôm 11-4, Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên ghi nhận tới 2.000 ca tử vong trong một ngày. Đại dịch Covid-19 cũng khiến nước Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận tình trạng thảm họa đồng thời ở tất cả các bang.

“Cách ly xã hội” - sự lựa chọn giữa “sự sống và cái chết”

Rõ ràng, cuộc chiến với đại dịch Covid-19 chưa đến hồi kết. Hiện nay, thế giới, trong đó có Việt Nam, đã ở giai đoạn dịch lây lan trong cộng đồng. Mỗi nước có cách ứng phó khác nhau nhưng với Việt Nam, điều quan trọng là phải tập trung phát hiện những ca bệnh dương tính trong cộng đồng để áp dụng các biện pháp khoanh vùng, dập dịch để ổ dịch không bùng phát. Đây là chiến thuật dập “đốm cháy” để không bùng thành “đống lửa”.

Tuy nhiên, để chiến thuật này đi đến thành công thì điều quan trọng là mỗi người dân phải thực hiện nghiêm việc “giãn cách xã hội”. Lý do là bởi trong thời gian “giãn cách xã hội”, người mang mầm bệnh sẽ phát bệnh và được đưa đến các cơ sở y tế điều trị, đồng thời có thể khoanh vùng ổ dịch để cách ly, dập dịch kịp thời. Với những trường hợp người nhiễm bệnh không có triệu chứng thì thời gian “giãn cách xã hội” tối thiểu 14 ngày cũng có thể tự khỏi bệnh, không lây sang người lành. 

Trong bối cảnh vaccine chữa Covid-19 còn lâu mới ra đời, có thể nói việc “giãn cách xã hội” là biện pháp duy nhất để có thể ngăn dịch bệnh. Chính vì thế, cho dù biện pháp mạnh này ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nhưng hầu hết các nước đều ghi nhận hiệu quả và yêu cầu người dân thực hiện nghiêm. Tại châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu 

Ursula von der Leyen khuyến cáo rằng người cao tuổi nên tiếp tục ở trong nhà cho đến hết năm 2020 để bảo vệ chính họ. Thừa nhận việc này “rất khó khăn” và “cô lập là một gánh nặng”, nhưng bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh “đây là vấn đề giữa sự sống và cái chết”.

Tổng thống Argentina Alberto Fernandez thì đánh giá biện pháp “cách ly xã hội” đã chặn được tốc độ lây lan của dịch bệnh, đồng thời khẳng định Argentina sẽ tiếp tục áp dụng một cách nghiêm ngặt tại tất cả các thành phố lớn. Singapore thành công trong việc hạn chế dịch bệnh lây lan nhanh là nhờ các biện pháp nghiêm ngặt gồm xét nghiệm và theo dõi quá trình tiếp xúc của bệnh nhân. Hiện Singapore vẫn đang siết chặt các biện pháp phòng ngừa, trong đó có đóng cửa đa số nơi làm việc, cách ly một số khu nhà ở của lao động nước ngoài nhằm giảm nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng.

Với Việt Nam, chính nhờ các biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng đúng thời điểm, phù hợp với diễn biến dịch, đặc biệt là các biện pháp như ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly toàn xã hội được thực hiện kịp thời, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh. So với các nước đã có hàng trăm nghìn ca mắc Covid-19 và vạn ca tử vong, số lượng ca nhiễm bệnh ở Việt Nam thấp và chưa có ca tử vong nào. Thành công của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế, các nước đánh giá cao và kêu gọi lấy mô hình chống dịch của Việt Nam là “hình mẫu”.

Chính nhờ việc cách ly, khoanh vùng dập dịch kịp thời, chúng ta đã nhanh chóng giải quyết được “điểm nóng” - Bệnh viện Bạch Mai. Lệnh phong tỏa bệnh viện được dỡ bỏ sau 14 ngày đã giúp đưa một trong những bệnh viện hàng đầu của đất nước trở lại hoạt động, phục vụ người bệnh. Chúng ta lại có thêm nguồn lực chất lượng cao trong cuộc chiến với Covid-19 là các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai.  

Điều đó tạo cho Việt Nam sự tự tin trong cuộc đối đầu với Covid-19. Nhưng để đi đến chiến thắng cuối cùng, điều quan trọng là sự chung tay của cả cộng đồng trong việc tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội. “Ở yên trong nhà” chính là để có thể sớm nhất trở lại với cuộc sống đời thường.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Số tiền hỗ trợ doanh nghiệp tương đương hơn 300 nghìn tỷ đồng

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương ngày 10-4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Link bài gốc https://anninhthudo.vn/the-gioi/canh-giac-truoc-moi-nguy-xao-nhang-chu-quan-loi-long-cach-ly-phong-dich/850330.antd