Theo các chuyên gia lao động, công đoạn, thời gian này các DN cơ cấu lại tổ chức sản xuất, tìm cách giữ chân người lao động (NLĐ) cũng như nghiên cứu dòng sản phẩm mới.

Cung - cầu đều đang yếu

Trong hai tháng gần đây, thị trường việc làm có những biến động. Thời gian trước, nhiều DN than thiếu lao động, tuyển dụng nhân sự gặp khó khăn, nay tình hình ngược lại, đã có những công ty phải cắt giảm lao động, giãn việc làm. Tiêu biểu là các DN có đầu vào và đầu ra chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tiếp đến là những đơn vị gián tiếp như dệt may xuất khẩu (trừ các đơn vị may trang phục y tế, khẩu trang), giầy dép, điện tử, du lịch, giáo dục, nhà hàng, cơ sở giáo dục...

Nhiều lao động đang gặp khó khăn trong mùa dịch Covid-19. Trong ảnh: Người lao động làm việc tại một cơ sở sản xuất ở huyện Ứng Hòa. Ảnh: Công Hùng

Do bị mất việc làm hoặc giảm việc nên một bộ phận lớn lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi không có tích lũy riêng, chỉ trừ một số NLĐ ở khu vực chính thức còn trông chờ vào đồng lương. Từ thu nhập thấp, việc làm bấp bênh, thậm chí nguy cơ mất việc làm đã ảnh hưởng đến tâm lý của NLĐ.

Chị Trần Thị Huyền làm tại bộ phận kỹ thuật của Công ty TNHH Viglacera Glasskote giãi bày: "Trước đây, tôi thuê trọ ở gần công ty để thuận tiện cho việc đi làm, nhưng giờ đã đưa con về quê ở huyện Đan Phượng tránh dịch Covid-19. Hằng ngày phải đi xa, rất có thể công ty phải giãn việc vì khách hàng ít, thu nhập giảm khiến tôi mệt mỏi, ảnh hưởng đến công việc. Việc kinh doanh online để kiếm thêm thu nhập thời điểm này là vô cùng khó khăn".

Tình hình thị trường việc làm tháng 3 và những ngày đầu tháng 4/2020, cả cung và cầu đều đang yếu hơn so với hai tháng trước. Mặc dù người mất việc thì nhiều nhưng tinh thần sẵn sàng đi làm ngay lại không cao. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở LĐTB&XH Hà Nội Tạ Văn Thảo cho hay: Chúng tôi vẫn cung cấp thông tin các ứng viên lao động cho DN nhưng nhận được phản hồi rất ít.

Thời điểm tháng 1, 2, thông tin việc làm trống còn khá nhiều nhưng sang đến tháng 3 đã giảm hẳn. Thông tin NLĐ tìm việc làm còn ít hơn. “NLĐ có nhu cầu tìm việc làm ít, ngay cả số lao động thất nghiệp, chúng tôi gọi điện tư vấn, giới thiệu chỗ làm nhưng đa phần họ từ chối. Bây giờ, các điểm, sàn giao dịch việc làm Hà Nội cung cấp những vị trí công việc nhưng nhận được phản hồi của NLĐ rất ít. NLĐ đang chống dịch, muốn ở nhà hoặc tìm công việc gần” - ông Thảo giải thích.

Luôn sáng tạo ra sản phẩm mới

Dịch Covid -19 bùng phát dẫn đến nhiều DN bị ảnh hưởng. Tới nay, Tổng Liên đoàn lao động (TLĐLĐ) Việt Nam chưa có con số thống kê chính xác, cuối cùng về số NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vì con số tăng lên hằng ngày.

Phó Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: “Qua nắm bắt thông tin từ một số địa phương rất điển hình, cho thấy, số NLĐ bị tạm dừng làm việc từ một tháng trở lên chiếm 25 - 30%, số người mất việc hoặc phải nghỉ việc luân phiên cũng khá lớn”.

 Một cơ sở may mặc tại huyện Đông Anh chuyển sang may hàng khẩu trang trong mùa dịch. Ảnh: Phạm Hùng

Nếu bây giờ mọi người cứ nhìn ra bên ngoài kia, lấy đó làm khó khăn để DN hoạt động không hiệu quả thì sẽ bị khủng hoảng dịch cuốn theo luôn. Do vậy, đã có những chủ sử dụng lao động như ông Nguyễn Tuấn Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nội thất thông minh X’Home Việt Nam cho rằng: Đây là khó khăn chung. DN nào có thể cạnh tranh với X’Home, họ cũng gặp khó khăn giống mình, vì thế không sợ. Thay vì tìm lý do bên ngoài, mình rà soát lại các hoạt động bên trong, để làm sao cho hoạt động của DN tốt hơn. Những gì trước đây chưa ổn và chưa chuẩn, trước tình hình dịch thế này, chủ DN có cơ hội để thực hiện.

“Đơn giản nhất, chúng tôi muốn tinh gọn bộ máy, cắt giảm một tỷ lệ nhỏ nhân sự để tối ưu và chuẩn hóa lại bộ máy, nếu trong năm qua khó thực hiện thì đợt dịch này lại trở thành dễ làm. Chúng tôi cũng siết lại các khoản chi phí của mình. Ngoài ra là điều chỉnh sản phẩm theo nhu cầu khách hàng đang hướng đến trong tình hình hiện nay để tạo ra cho DN dòng tiền. Ví dụ, ngành nội thất của X’Home đợt này có mảng đồ theo modun, sắp xếp rất nhanh, chỉ việc lắp và đặt vào, giá thành rẻ” - ông Tuấn Dũng cho hay.

Cùng với việc cắt giảm lương, thời điểm này nhiều DN cắt giảm nhân sự ở những bộ phận phụ trợ mà người khác có thể kiêm nhiệm được, để củng cố chuỗi dịch vụ được liền mạch. Ra sản phẩm mới trong thời kỳ dịch Covid-19 cũng được nhiều DN hướng đến để thu hút khách hàng.

Để duy trì hoạt động kinh doanh, ông Hoàng Tùng - CEO Pizza Home đã thực hiện cắt giảm những điểm bán hàng không hiệu quả, tối ưu tiền nhà và tiết kiệm chi phí để phòng thủ. Cùng với đó là nghiên cứu tạo sản phẩm mới, compo mới và kênh bán hàng mới, ví dụ như sản phẩm pizza Thanh Long, bánh mỳ Thanh Long, bánh burger Thanh Long, burger Corona.

“Chúng tôi liên tục cho ra những sản phẩm mới để thu hút khách hàng và cũng góp phần giải cứu cho nông sản Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi còn có sản phẩm cho khách mua về nhà hoàn thiện. Hoặc khách hàng có thể mua nhân, đế bánh pizza về hướng dẫn các con tự làm ở nhà... để tạo ra những nguồn thu mới” - Hoàng Tùng cho hay.

Suy thoái kinh tế, nhưng mọi người vẫn phải ăn, phải mặc... Vì thế, tập đoàn Vingroup đã dùng nhà máy sản xuất ô tô, nhà máy chế tạo cơ khí chuyển sang sản xuất máy thở là một sự nhạy bén, thông minh. Hay một số công ty dệt may chuyển sang sản xuất khẩu trang cũng là cách để tạo ra dòng tiền lại vừa tạo được việc làm, giữ chân NLĐ là cách để nhiều DN khác tham khảo.

Doanh nghiệp phải giữ chân người lao động

Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Quốc hội, Chính phủ đã có những giải pháp hỗ trợ DN và NLĐ. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, các DN phát huy tinh thần vượt khó, chia sẻ với khó khăn của NLĐ. Và có những giải pháp giữ chân NLĐ để khi dịch bệnh kết thúc có thể bắt tay vào sản xuất ngay, không phải tuyển mới NLĐ.

Bản thân mỗi NLĐ cố gắng khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống và tham gia tích cực cùng Đảng, Chính phủ phòng, chống Covid -19, khi dịch chấm dứt có thể bắt tay ngay vào lao động sản xuất với tinh thần hăng say, trách nhiệm, mỗi ngày làm việc bằng hai. Về phía TLĐLĐ Việt Nam, ngay từ khi mới có dịch Covid-19 đã có những quan tâm đến NLĐ với các gói hỗ trợ khác nhau cho từng nhóm đối tượng.

Cụ thể, nhóm 1, chỉ bị giảm việc làm, giảm thu nhập; nhóm 2 bị mất việc làm nhưng có bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; nhóm 3 mất việc làm nhưng gần như không có bệ đỡ an sinh xã hội. Trong các nhóm trên, lao động nữ, lao động di cư và lao động có con nhỏ là những đối tượng cần đặc biệt quan tâm. “TLĐLĐ Việt Nam đã tập trung vào cả 3 nhóm. Với nhóm mất việc làm, TLĐ tuyên truyền vận động để NLĐ phòng chống dịch đúng cách. Điều thứ hai, cốt lõi: Khi NLĐ mất việc thì phải có công việc mới, thu nhập.

Công đoàn đã giới thiệu những nơi có việc cho NLĐ hoặc tư vấn cho họ chuyển nghề, cung cấp thông tin tuyển dụng từ các cơ quan khác nhau, nơi tiếp nhận lao động. Đặc biệt, là phải tìm cách hỗ trợ thu nhập cho NLĐ. Công đoàn cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể phụ nữ, thanh niên, các DN lớn, mạnh thường quân để động viên tinh thần và hỗ trợ một phần vật chất cho NLĐ, các gia đình thực sự khó khăn.

Về phía các chuyên gia lao động cho rằng, bây giờ các DN phải chuẩn bị những điều kiện khi dịch Covid -19 kết thúc sẽ tăng tốc. Chẳng hạn như tổ chức lại hoạt động sản xuất với những phương án tối ưu trong điều kiện mới. Thứ nữa, muốn hay không muốn, DN phải giữ chân NLĐ bằng cách làm việc linh hoạt, luân phiên, giãn ca; thực hiện các chính sách giữ chân NLĐ. Trong điều kiện hiện nay, DN tận dụng cơ hội để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho NLĐ để sau khi hết dịch họ làm việc với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, TLĐLĐ Việt Nam Dương Văn Sao, đưa ra đề xuất: Các DN kiến nghị với Nhà nước có những giải pháp mở rộng xuất khẩu sản phẩm ở những thị trường tiềm năng, trước đây chưa khai thác. Cùng với việc nghiên cứ sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của đối tác thế giới, các DN cũng phải chia sẻ với đối tác và cộng đồng để cùng nhau tháo gỡ khó khăn.

"Trong tình hình hiện nay, các DN đàm phán để tiếp tục hợp đồng đã ký kết, tìm hợp đồng mới, cơ cấu lại sản xuất, đa dạng sản phẩm, chuyển hướng sản xuất những mặt hàng mới. Nói chung, người sử dụng lao động phải linh hoạt tính toán các kịch bản để có sự lựa chọn, quyết định. Về phía NLĐ có thể chia sẻ với DN làm việc không trọn vẹn thời gian, tạm hoãn hợp đồng lao động. Trong thời gian này có thể tìm kiếm việc làm khác, nói chung cũng phải linh hoạt tùy theo điều kiện, hoàn cảnh thực tế của mình" - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân

"Đây là giai đoạn tiền suy thoái kinh tế, nên DN là đối tượng bị tác động mạnh nhất và có thể còn kéo dài, nhất là DN vừa và nhỏ có nguy cơ phải phá sản. Bài toán này phải giải từ cả 2 phía. Từ vĩ mô qua gói hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng. Còn phía DN, vừa phải có phương án trước mắt vừa phải có kế hoạch dài hạn. 2 hướng này tốt nhất là có sự kết nối với nhau.

Do đó, DN sắp xếp lại sản xuất, thậm chí thay đổi hướng sản xuất cũng và tính đến thế mạnh của mình hiện tại để phát huy được trong tương lai khi phục hồi kinh tế. Nhất là giữ thị trường truyền thống.

Tốt nhất lúc này, DN không chạy theo số lượng mà đi vào đầu tư theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nếu có thể, DN chuyển hướng sang sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của thế giới và trong nước. DN nên đầu tư vào sản xuất lương thực, thực phẩm qua chế biến với chất lượng cao mà Việt Nam có lợi thế" - Viện trưởng Viện An sinh xã hội và bền vững Nguyễn Hữu Dũng 



CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Số tiền hỗ trợ doanh nghiệp tương đương hơn 300 nghìn tỷ đồng

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương ngày 10-4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/viec-lam-thoi-dich-covid-19-tim-co-hoi-trong-nguy-co-380729.html