Chọn sách giáo khoa mới: Bài bản và tỉ mỉ

09/03/2022 07:21

Kinhte&Xahoi Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, năm học 2022-2023, học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trên cả nước sẽ học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với sách giáo khoa mới. Chọn sách giáo khoa phù hợp để đưa vào giảng dạy ở các nhà trường là khâu quan trọng đã, đang được ngành Giáo dục triển khai bài bản và giáo viên được xác định là lực lượng chủ chốt. Mục tiêu là phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập tích cực và hiệu quả.

Tập huấn sử dụng sách giáo khoa tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Đỗ Tâm

Chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện

Tháng 2-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, làm căn cứ để các địa phương tổ chức lựa chọn đưa vào giảng dạy từ năm học 2022-2023, gồm 43 cuốn sách giáo khoa lớp 3; 40 cuốn sách giáo khoa lớp 7 và 44 cuốn sách giáo khoa lớp 10. 

Tại Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thông báo tới các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, các nhà trường về danh mục sách giáo khoa ở các lớp; xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa và cập nhật những hướng dẫn liên quan; chuẩn bị kế hoạch tập huấn sử dụng sách… 

Theo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, cùng với các nhà xuất bản khác, đơn vị đang tích cực phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để tổ chức hội nghị giới thiệu sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 (theo hình thức trực tuyến) vào ngày 12 và 13-3-2022. Tại đây, các chủ biên, tác giả sách và giáo viên sẽ có cơ hội trao đổi, tìm hiểu kỹ hơn về từng cuốn sách… 

Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Trần Thị Hương cho biết, phòng đã thông báo về hội nghị giới thiệu sách giáo khoa mới và yêu cầu 100% giáo viên dự kiến dạy các lớp thay sách tham dự. Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) Tô Văn Nhân, việc tổ chức giới thiệu sách giáo khoa mới theo hình thức trực tuyến là một thuận lợi, vừa bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, vừa có thể thu hút được nhiều giáo viên tham gia... 

Hướng dẫn học sinh ôn tập tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì). Ảnh: Đỗ Tâm

Quan tâm bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa mới

Năm học 2022-2023 là năm thứ hai, quy trình chọn sách giáo khoa được thực hiện theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với quy định: UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. 

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang khẩn trương tham mưu UBND thành phố thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, bảo đảm yêu cầu về số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu 15 người. Xác định giáo viên là lực lượng chủ chốt, có vai trò quan trọng trong việc đề xuất lựa chọn sách, làm căn cứ để hội đồng cấp thành phố quyết định lựa chọn, mỗi hội đồng đều có ít nhất 2/3 số lượng thành viên là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thu Hương, hiện sách giáo khoa mới, bao gồm cả bản in và bản điện tử đã được chuyển tới các tổ chuyên môn để tổ chức cho giáo viên nghiên cứu. Nhà trường sẽ thực hiện quy trình đề xuất lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT, bắt đầu bằng việc tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên thảo luận, đánh giá các sách giáo khoa; bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất một sách giáo khoa cho mỗi môn học…

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu, toàn bộ quy trình, tiêu chí lựa chọn sách đã được quán triệt tới giáo viên, với yêu cầu phát huy ý thức trách nhiệm cao nhất để lựa chọn, đề xuất những cuốn sách phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học, tạo thuận lợi nhất cho học sinh học tập tích cực và hiệu quả. 

Cô giáo Đặng Hoàng Hà, Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Là người trực tiếp tham gia đề xuất lựa chọn sách và đang dạy sách giáo khoa lớp 2, tôi hiểu rõ trách nhiệm của mình và quyền lợi của học sinh khi được học cuốn sách phù hợp. Nếu được phân công làm nhiệm vụ đề xuất lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, tôi và các đồng nghiệp luôn sẵn sàng”. 

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT quy định UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, song từng giáo viên, từng nhà trường vẫn được phát huy vai trò, chính kiến trong việc lựa chọn sách. Thực tế từ việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022 cho thấy, quy trình lựa chọn của các địa phương được thực hiện dựa trên cơ sở đề xuất của chính giáo viên các nhà trường. 

“Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức hội nghị giới thiệu sách giáo khoa, hoàn thành trước ngày 31-3-2022. Đồng thời, quan tâm đến công tác bồi dưỡng, bảo đảm tất cả giáo viên đều được tham gia bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa mới và thời gian bồi dưỡng hoàn thành trước ngày 31-7-2022...”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý

 Thống Nhất - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đỡ ''gánh nặng'' cho doanh nghiệp vận tải

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông - vận tải vốn đã gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài thì nay lại tiếp tục “lao đao” khi giá xăng, dầu liên tục tăng cao và thiết lập “kỷ lục” mới kể từ năm 2005. Trước những áp lực lớn này, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp phù hợp để kịp thời san sẻ "gánh nặng" với các doanh nghiệp ngành Giao thông Vận tải.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/1026471/chon-sach-giao-khoa-moi-bai-ban-va-ti-mi