Có 613 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký trong 5 tháng đầu năm

28/05/2021 07:43

Kinhte&Xahoi Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm 2021, có 613 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt gần 8,83 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Có 613 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký trong 5 tháng đầu năm. ( Ảnh minh họa - Ảnh: Baoquocte.vn)

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến ngày 20/5, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế đến ngày 20/5/2021, cả nước có 33.615 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 396,86 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 240 tỷ USD, bằng 60,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2021, có 613 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt gần 8,83 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái; 342 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 3,86 tỷ USD; 1.422 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt 1,31 tỷ USD.

Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam trong 5 tháng, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,14 tỷ USD. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ...

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tiếp tục tăng mạnh. Xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt trên 98 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ, chiếm 74,9% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 97,4 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ, chiếm 74,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhập khẩu của khu vực ĐTNN ước đạt trên 85,4 tỷ USD, tăng 39,7% so cùng kỳ và chiếm 65,3% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính chung, khu vực ĐTNN xuất siêu 14,4 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 12,6 tỷ USD không kể dầu thô. Xuất siêu khu vực ĐTNN đã bù đắp phần nhập siêu 12,5 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 131 triệu USD.

Theo đối tác đầu tư, đã có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,26 tỷ USD, chiếm gần 37,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,59 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,83 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc),…

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,35 tỷ USD, chiếm 23,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. TPHCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là 1,34 tỷ USD, chiếm 9,6% tổng vốn đầu tư. Cần Thơ đứng thứ ba với 1,32 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Giang…/.

 Phạm Duy - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhà thầu PCC5: Trúng thầu sát giá vẫn lãi 'mỏng' đến bất ngờ

Chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu hàng năm của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây lắp điện số Năm là các hợp đồng từ hoạt động đấu thầu. Trong khi thường xuyên trúng thầu với tỷ lệ giảm giá vô cùng thấp, doanh nghiệp lại có biên lợi nhuận "mỏng" đến bất ngờ.

Các hãng hàng không đang lừa dối khách hàng?

Vừa nhận được cơn mưa lời khen vì đưa ra chính sách đổi hoàn vé cho hành khách bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng ngay sau đó, nhiều hãng hàng không bị vạch trần hành vi thu tiền phí dịch vụ dù chuyến bay bị hủy.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/co-613-du-an-fdi-moi-duoc-cap-giay-chung-nhan-dang-ky-trong-5-thang-dau-nam-d156680.html