Doanh nghiệp đấu thầu sát giá tại nhiều dự án, chuyện hết sức bình thường!

17/06/2021 17:21

Kinhte&Xahoi Thời gian vừa qua, nhiều dự án trên địa bàn cả nước, các chủ đầu tư tổ chức đấu thầu, nhiều doanh nghiệp tham gia bỏ thầu rất sát giá so với giá dự thầu mà chủ đầu tư đưa ra, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu cho rằng, điều này là hoàn toàn bình thường.

Việc tổ chức đấu thầu, đặc biệt là đấu thầu trên mạng nhằm mục đích giảm chi phí cho các chủ đầu tư cũng như doanh nghiệp tham gia, đồng thời đảm bảo tính khách quan, minh bạch, không có sự cài cắm, “quân xanh hay quân đỏ”.

Chính vì vậy mà hiện nay, hầu hết các dự án, đặc biết là dự án có tổng mức đầu tư nhỏ thì chủ đầu tư thường lựa chọn hình thức đấu thầu là đấu thầu trên mạng.

Cụ thể như tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam), các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cũng được lãnh đạo bệnh viện này tổ chức đấu thầu với hình thức đấu thầu trên mạng, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia dự thầu.

Quyết định phê duyệt dự án của Bộ Y tế.

Để có nguồn kinh phí thực hiện việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, ngày 7/12/2020, Bộ Y tế đã quyết định phê duyệt Dự án mua sắm trang thiết bị năm 2020 từ nguồn ngân sách Nhà nước của Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam).

Theo đó, chủ đầu tư là Bệnh viện Tuệ Tĩnh; Nội dung của dự án là Mua một số trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Tiếp đến, ngày 18/12/2020, lãnh đạo Bộ Y tế đã quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp trang thiết bị năm 2020 của Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Theo đó, Bộ Y tế phê duyệt 5 gói thầu với tổng giá trị gần 17 tỷ đồng và được chia làm 5 gói thầu.

Gói thầu số 1: Trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh; Gói thầu số 2: Trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh; Gói thầu số 3: Máy tán sỏi; Gói thầu thứ 4: Thiết bị phục hồi chức năng; Gói thầu số 5: Thiết bị văn phòng.

Sau khi được Bộ Y tế phê duyệt các gói thầu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã tiến hành tổ chức đầu thầu qua mạng và được đăng tải mời thầu rộng rãi trên báo Đấu thầu.

Trong quá trình tổ chức đấu thầu 5 gói thầu nói trên, các doanh nghiệp đã tham gia dự thầu và trong số 5 gói trên thì mỗi gói đều có một nhà thầu tham gia và đã trúng thầu.

Tuy nhiên sau khi có kết quả thầu và các doanh nghiệp đã thực hiện xong thì một số thông tin cho rằng, vì sao các gói thầu đều có một nhà thầu tham gia mà bỏ thầu so với giá dự thầu rất sát giá, thậm chí có những gói thầu tiết kiệm bằng 0.

Bệnh viện Tuệ Tĩnh tổ chức đấu thầu 5 gói thầu theo phê duyệt của Bộ Y tế.

Liên quan đến sự việc này, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với một đại diện của Bệnh viện Tuệ Tĩnh, theo cán bộ này cho biết: “Việc đấu thầu trên mạng mà có một nhà thầu tham gia là điều hết sức bình thường, vì chủ đầu tư không kiểm soát cũng như không thể biết được doanh nghiệp nào tham gia dự thầu, vì tất cả thông tin liên quan đến đấu thầu được Bệnh viện đăng tải công khai trên báo Đấu thầu cũng như hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia”.

“Nhà thầu bỏ thầu sát với giá dự thầu mà chủ đầu tư đưa ra hay thậm chí bỏ đúng với giá dự thầu thì đấy là quyền của doanh nghiệp, chủ đầu tư chấm thầu dựa trên các quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng với Luật Đấu thầu”, vị cán bộ này khẳng định.

Cũng theo cán bộ này cho biết: “Tất cả các vấn đề liên quan đến đấu thầu, Bệnh viện đều báo cáo đầy đủ với Bộ Y tế và đã được Bộ quyết định”.

Còn khi trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, một số đại diện của nhà thầu tham gia các gói thầu nói trên thì cho biết: “Chúng tôi tiến hành tham gia đấu thầu đều thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo các hồ sơ năng lực từ tài chính đến kinh nghiệm mà chủ đầu tư đưa ra”.

“Các gói thầu đều có giá trị rất nhỏ, chỉ có vài tỷ đồng bắt buộc chúng tôi phải bỏ sát giá, nhằm tiết kiệm tối đa nhất, nếu không trúng thầu thì chúng tôi chấp nhận, còn nếu trúng thì mới hy vọng có lãi, hơn nữa đấu thầu trên mạng đấu thầu sẽ rất công khai, minh bạch, không thể biết được có những doanh nghiệp nào tham gia hay bỏ thầu giá trị bao nhiêu”, một doanh nghiệp bày tỏ.

Liên quan đến sự việc này, trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu chia sẻ: “Hiện nay đấu thầu trên mạng hết sức phổ biến, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, không có sự cài cắm này nọ, còn việc bỏ thầu sát giá là hết sức bình thường, vì đây là quyền của doanh nghiệp, một doanh nghiệp tham gia đấu thầu cũng không có gì là sai cả, vì đây là đấu thầu trên mạng chứ không phải đấu thầu truyền thống, tức là đấu thầu trên giấy”, vị chuyên gia này phân tích.

 Nhật Minh - Pháp luật Plus


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt từ 6 - 7%

Sau khi làn sóng Covid-19 thứ 4 đổ bộ, đã có một số tổ chức hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Thời điểm trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Oxford Economics, IMF, World Bank, HSBC nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,6 % - 6,8%, đến nay, các mức này đều hạ so với dự báo trước đó.

Hàng không bên bờ vực phá sản

''Các hãng hàng không đang dần hết nguồn lực tài chính, thậm chí có hãng đang đứng bên bờ vực phá sản'' - đây là những thông tin được Bộ KH&ĐT nêu ra trong dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dau-thau/doanh-nghiep-dau-thau-sat-gia-tai-nhieu-du-an-chuyen-het-suc-binh-thuong-d158442.html