Dịch bệnh đã khiến nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa
Gói tín dụng 16.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay ưu đãi lãi suất 0% để trả lương cho người lao động đã được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) sẵn sàng cung ứng. Tuy nhiên, gói tín dụng này bị ế ẩm khi các doanh nghiệp đều lắc đầu cho rằng nó không khác gì 'tiền treo cột mỡ'. Đó là bởi quy định về gói vay với những điều kiện ngặt nghèo khiến doanh nghiệp khó có thể vay được để trả lương cho người lao động.
Cụ thể, theo Thông tư 05 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để được vay vốn trả lương cho người lao động, doanh nghiệp phải có từ 20% hoặc từ 30 lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc từ 1/4/2020 đến 30/6/2020; Thời gian ngừng việc phải liên tục từ 1 tháng trở lên; Người sử dụng lao động đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương; Người sử dụng lao động đang gặp khó khăn về tài chính, không có nguồn tài chính để trả lương; Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.
Nếu đáp ứng các điều kiện trên, doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị đến UBND cấp huyện. Trong 3 ngày làm việc, UBND cấp huyện thẩm định rồi trình chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt và gửi chi nhánh NH Chính sách xã hội làm thủ tục cho vay.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Mạnh Thản – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Ao Vua – cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành du lịch lâm vào cảnh khó khăn, không ít doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc. Thế nhưng, các doanh nghiệp đều phản ánh rằng thủ tục vay quá rườm rà, điều kiện để vay theo kiểu thách đố doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp vẫn nói rằng điều kiện như thế là “bôi mỡ lên cột”, nên chẳng doanh nghiệp nào hy vọng tiếp cận được gói tín dụng này”, Ông Nguyễn Mạnh Thản nói.
Còn ông Trần Thế Huynh - Đại diện Công ty cổ phần Trịnh Nghiên, một doanh nghiệp sản xuất bao bì tại Nam Định - cho biết, khi nghe nói có gói hỗ trợ trả lương cho người lao động, ông đã liên hệ với một số ngân hàng thương mại và được trả lời gói tín dụng này được phân bổ cho NHCSXH. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu cụ thể thì ông và BLĐ công ty mới ngã ngửa về điều kiện đi kèm.
"Điều kiện để được vay vốn của NHCSXH cần chứng minh nhiều bước, thủ tục, doanh nghiệp rất khó có thể để chứng minh được. Với những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ như chúng tôi lại càng không thể đáp ứng được các điều kiện này. Nên tôi nghĩ gói hỗ trợ này chỉ có thể giải ngân nếu NHCSXH có hướng dẫn chi tiết và hạ tiêu chuẩn cho vay, áp dụng điều kiện vay theo đặc thù của doanh nghiệp", ông Trần Thế Huynh nói.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh
Theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh – Trưởng Bộ môn Quản trị tài chính quốc tế, Học viện Tài chính - Thông tư 05 của NHNN chủ yếu là để NHNN hướng dẫn các quy định đối với NHCSXH Việt Nam. Về bản chất, những nội dung hướng dẫn của Thông tư này không liên quan đến các doanh nghiệp, mà chỉ hướng dẫn những cái chung nhất của gói tín dụng 16.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, văn bản cần thiết nhất để giải ngân gói tín dụng này lại không được ban hành. Đó chính là văn bản do NHCSXH ban hành để hướng dẫn các doanh nghiệp, từ đó các doanh nghiệp có thể vay tiền để trả lương cho người lao động.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh tỏ ra tiếc nuối khi cho rằng đáng lẽ ra NHCSXH phải có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp về cơ sở, điều kiện vay như thế nào, từ đó các doanh nghiệp có cơ sở lập hồ sơ vay.
“Khi chúng ta nói câu chuyện chưa có doanh nghiệp nào vay được, điều này nói lên thực tế là NHCSXH chưa hoàn thành vai trò, nhiệm vụ của mình. Do anh không có hướng dẫn cụ thể, không có quy định rõ ràng, nên doanh nghiệp không thể làm hồ sơ vay” - PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nói.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, cũng phải nhìn nhận một thực tế là Thông tư 05 quy định lãi cho vay và lãi suất quá hạn là 0%, nhưng cụ thể hơn, doanh nghiệp chỉ được vay trong thời hạn 364 ngày. Rõ ràng trong thời hạn vay ngắn như vậy, sự chậm trễ của NHCSXH càng khiến doanh nghiệp “không biết đường nào mà lần”.
Bên cạnh đó, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thực tế mức thiệt hại của doanh nghiệp do Covid-19 chủ yếu xảy ra trong khoảng tháng 3 và tháng 4/2020. Đó là khoảng thời gian cần thiết nhất của doanh nghiệp để bù trì cho người lao động bị mất việc, giữ chân lao động nhằm chuẩn bị cho sự phục hồi sản. Nhưng cho đến nay các văn bản hướng dẫn cụ thể vẫn chưa có thì rõ ràng NHCSXH Việt Nam đang gây khó cho doanh nghiệp.
Và theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, một phần nào đó có thể đến từ việc các doanh nghiệp chưa nắm được nội dung cụ thể về cơ chế, chính sách, cách thức vay,… dẫn đến việc họ chưa vay.
"Việc doanh nghiệp không mặn mà với gói tín dụng 16 nghìn tỷ đồng đã chứng tỏ NNHCSXH đã không hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình", ông Thịnh nói.
Theo Thông tư 05/2020/TT-NHNN (Thông tư 05) ngày 7/5/2020 của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này sẽ cho NHCSXH vay tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 16.000 tỷ đồng, với lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm. Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, kể từ ngày tiếp theo liền kề ngày Ngân hàng Nhà nước giải ngân tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Với số tiền trên, chủ doanh nghiệp sẽ được cho vay để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc theo khoản 3, Điều 98, bộ luật Lao động, với mức lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. |
Ngọc Tuân