Dự án nào của Tập đoàn Trường Thịnh bị Thanh tra Chính Phủ chỉ ra sai phạm?

04/02/2020 15:17

Kinhte&Xahoi Theo Thanh tra Chính phủ, dự án của Tập đoàn Trường Thịnh sử dụng đất rừng trồng phòng hộ, đất rừng trồng sản xuất nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định.

Cuối năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản số 2376/TB-TTCP, thông báo số kết luận thanh tra về việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về môi trường, đất đai, khoáng sản và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Theo thông báo 2376 đã chỉ ra nhiều vi phạm như: Quyết định cho thuê đất, ký hợp đồng cho thuê đất đối với các trường hợp cấp giấy phép tạm thời hai thác khoáng sản sau khi đã hoàn thành việc khai thác, chưa phù hợp với quy định thuê đất trong hoạt động khoáng sản.

Việc giao đất, sử dụng đất đối với 2 dự án có sử dụng đất rừng trồng phòng hộ, đất rừng trồng sản xuất nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng theo quy định. Trong đó có dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh (Tập đoàn Trường Thịnh) – một doanh nghiệp “cá mập” tại tỉnh Quảng Bình. Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo, rà soát xử lý đối với các dự án trên.

Khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang của Tập đoàn Trường Thịnh

Theo tìm hiểu của PV, Tập đoàn Trường Thịnh tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Trường Thịnh được thành lập vào năm 1994. Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và khai thác dịch vụ du lịch.

Từ số vốn điều lệ ban đầu 4,5 tỷ đồng, Tập đoàn đã tăng vốn lên 80 tỷ đồng năm 2013. Theo một tài liệu được công bố năm 2014, cơ cấu cổ đông của Tập đoàn Trường Thịnh gồm 3 cổ đông. Trong đó, ông Võ Minh Hoài – Chủ tịch HĐQT nắm giữ 82,33% vốn điều lệ, hai cổ đông khác gồm bà Nguyễn Bảo Ngọc nắm giữ: 6,60% và bà Võ Thị Lan Anh nắm giữ: 11,07%.

Đến tháng 1/2020, Tập đoàn Trường Thịnh đã nâng vốn điều lệ lên 2.109 tỷ đồng, và ông Võ Minh Hoài vẫn nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
 
Hiện tại, Trường Thịnh bao gồm 16 công ty thành viên, như: CTCP Tư vấn Xây dựng Trường Thịnh, CTCP Trường Thịnh 5, CT TNHH MTV BOT Trường Thịnh, CTCP Thủy điện Trường Thịnh, CTCP Du lịch Suối Bang Trường Thịnh, CTCP Trường Thịnh Golf & Resort, Công ty TNHH MTV Xây lắp Trường Thịnh, Công ty TNHH BOT Đường tránh Thành phố Đồng Hới, Công ty TNHH BOT Quảng Trị, Công ty TNHH MTV Du lịch Trường Thịnh…

Tại Quảng Bình, Tập đoàn Trường Thịnh được đánh giá là doanh nghiệp lớn với nhiều dự án nổi danh trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng.

Vào tháng 4/2019, tập đoàn này được UBND tỉnh Quảng Bình cho thuê hơn 200.000 m2 đất thực hiện dự án đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (giai đoạn 1 – đợt 1, đợt 2).

Một số dự án khác được Tập đoàn thực hiện như Khu du lịch Mỹ Cảnh, nay là Sun Spa Resort tại bán đảo Bảo Ninh; đầu tư và khai thác Khu du lịch sinh thái Động Thiên Đường; đầu tư khu đô thị mới Bảo Ninh, TP. Đồng Hới; Khu nghỉ dưỡng tại xã Quảng Đông, Quảng Trạch gần nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến…

Với lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Trường Thịnh được giao 1.044,0 m2 đất (gồm: 237,9 m2 đất đã chuyển mục đích sang đất ở nông thôn và 806,1 m2 đất bằng chưa sử dụng) sử dụng vào mục đích xây dựng dự án khu nhà ở thương mại Mỹ Cảnh; thuê 513,7 m2 để xây dựng Văn phòng Trụ sở Hạt quản lý duy tu bảo trì đường bộ tuyến đường tránh; thuê 1.593,8 m2 đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác để sử dụng vào mục đích đất thương mại, dịch vụ tại thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa; thuê 29.566,8 m2 đất tại xã Ngân Thủy,…

Ngoài ra, Tập đoàn Trường Thịnh còn là nhà đầu tư và tự thực hiện các dự án giao thông theo hình thức BOT với hàng trăm km Quốc lộ qua tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đã đưa vào khai thác.

Tại Quảng Bình, doanh nghiệp của doanh nhân Võ Minh Hoài còn được giao hơn 20ha để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Cảng Trường Thịnh - Hòn La.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thị trường khẩu trang thực sự “hạ nhiệt”?

Cuối tuần trước, ngay trong đợt ra quân đầu tiên của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) ở khu chợ thuốc Hapulico (Hà Nội), người dân đã được mua với giá bình thường. Nhưng ngay sau khi lực lượng này rời đi, mọi chuyện lại quay về như cũ.

Theo ĐSPL/Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/du-an-nao-cua-tap-doan-truong-thinh-bi-thanh-tra-chinh-phu-chi-ra-sai-pham-d116541.html