Giá vàng 'điên loạn' do đâu?

25/02/2020 15:25

Kinhte&Xahoi Giá vàng miếng trong nước chứng kiến ngày tăng giá kỷ lục. Thị trường vàng sôi sục, liên tục tăng giá phi mã, tăng gần 4 triệu đồng/lượng trong một phiên giao dịch. Đỉnh điểm, giá vàng đạt gần 50 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia đánh giá, giá vàng sốt ảo, người dân cẩn trọng, tránh đổ xô mua vàng lướt sóng.

Giá vàng tăng, dân mua vàng miếng kiểu lướt sóng.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 24/2, giá vàng miếng SJC niêm yết ở mức 46,3 - 46,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Ngay khi mở cửa, giá vàng liên tục tăng giá chóng mặt. Đầu giờ chiều ngày 24/2, giá vàng tăng lên mức 49,7 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới ngày 24/2 dao động ở mức 1.684 - 1.684,5 USD/ounce.

Khảo sát của PV Tiền Phong tại các cửa hàng vàng trên những phố chuyên bán vàng ở Hà Nội như Trần Nhân Tông, Cầu Giấy cho thấy, lượng khách mua vàng tăng hơn so với ngày thường. Tuy nhiên, khách không đông đến mức xếp hàng chờ đến lượt mua như trước kia.

Chị Nguyễn Hương, nhân viên bán hàng tại cửa hàng vàng tại phố Trần Nhân Tông cho biết, những ngày gần đây, lượng khách hàng đến mua và bán vàng tấp nập hơn trước. Đặc biệt, họ mua với số lượng hàng chục lượng.

“Vàng tăng giá khiến người dân đi mua vàng đông hơn và hàng bán hết nhanh hơn. Chỉ trong 2 tiếng của buổi sáng, tôi nợ khách gần 200 lượng vàng. Khách đến giao dịch, nộp tiền nhưng vàng chưa chuyển kịp, phải hẹn giao sau”, chị Hương cho biết.

Thậm chí, nhân viên cửa hàng vàng cho biết, nhiều khách hàng nộp tiền nhưng chưa nhận được vàng còn dọa quay clip tung lên mạng xã hội để gây áp lực cho nhân viên.

Có mặt tại cửa hàng vàng Phú Quý trên đường Trần Nhân Tông để bán vàng, bà Nguyễn Thu Loan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, thời điểm trước Tết, giá vàng ở mức 43 triệu đồng/lượng và có dấu hiệu tăng, gia đình bà Loan sử dụng tiền nhàn rỗi mua vàng chờ lướt sóng. Khi giá vàng vượt ngưỡng 48 triệu đồng/lượng, bà Loan bán vàng kiếm lời. “Tôi nghĩ vàng sẽ khó tăng giá thêm nên tranh thủ bán kiếm lời.Trong hơn 1 tháng, mỗi lượng vàng tôi bán lời khoảng 5 triệu đồng, lợi hơn khi gửi tiền tiết kiệm”, bà Loan cho biết.
 
Sốt ảo, người dân cẩn trọng

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng giật mình khi giá vàng bị đẩy lên cao và nhanh như vậy. Theo ông Trúc, quốc tế chỉ tăng hơn 10 USD/ounce lên 1.680 USD/ounce nhưng trong nước lại đẩy lên tận 49 triệu đồng/lượng. “Đây là giá ảo vì các doanh nghiệp sợ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, căng thẳng Mỹ - Iran và nhiều yếu tố khác. Khả năng tối nay, giá vàng trên thị trường quốc tế vọt lên ít nhưng thị trường Việt Nam đón trước nên đẩy giá lên”, ông Trúc nói.

Ông Trúc cho biết thêm, hiện tại, giá vàng quốc tế thấp hơn giá trong nước 1,8 triệu đồng/lượng. Giá quốc tế có thể lên đến 1.700 USD/ounce (tăng 20 USD/ounce- tương đương 500.000 đồng) nên không có việc giá trong nước tăng theo giá vàng trên thị trường quốc tế. Việc tăng giá này do các doanh nghiệp trong nước tự đẩy giá lên.

Đại điện một doanh nghiệp kinh doanh vàng miền Bắc phân tích, từ đầu năm, nhiều chuyên gia nhận định giá vàng thế giới có thể lên tới 1.800 USD/ounce. Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế các nước không chỉ riêng Trung Quốc khiến các ngân hàng Trung ương sẽ tính toán chính sách tiền tệ của họ. Có thể nới lỏng chính sách tiền tệ để nền kinh tế không bị suy thoái.

Rõ ràng, tương lai, chứng khoán sẽ đi xuống do kinh tế không phát triển được. Đó là ảnh hưởng dây chuyền đến toàn thế giới. Nhà đầu tư lo sợ khủng hoảng dịch khó kiểm soát nên theo quy luật: Vàng là nơi trú ẩn an toàn.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Rủi ro rình rập trong các cụm công nghiệp

Nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt bằng cho các DN công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thời gian qua Hà Nội đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều cụm công nghiệp (CCN).

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/gia-vang-dien-loan-do-dau-d118066.html