Gỡ vướng trong việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng

28/04/2020 15:03

Kinhte&Xahoi Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, nguyên tắc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 là hỗ trợ những người bị ảnh hưởng sâu, bị mất việc, giãn việc, thu nhập không bảo đảm mức sống tối thiểu.

Người dân gặp khó khăn do Covid-19 làm thủ tục nhận hỗ trợ

Ngày (27-4) Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân khó khăn do Covid-19.

Thảo luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, ngay khi có Nghị quyết của Chính phủ về việc hỗ trợ người dân khó khăn do Covid-19, Hà Nội đã giao cho Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã sơ bộ thống kê các đối tượng theo Nghị quyết 42/NQ-CP để khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội có thể triển khai được ngay.

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Tài chính chuẩn bị nguồn tiền để đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 42/NQ-CP đặt ra; chuẩn bị dự thảo quyết định của UBND TP về hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định 15/QĐ-TTg khi được ban hành.

Hiện nay, Hà Nội cũng đã thống kê xong 3 nhóm đối tượng gồm: người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo. 3 nhóm đối tượng này đã có danh sách, ngay sau khi có quyết định Hà Nội sẽ cho triển khai (trước 30/4).

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, thống kê ban đầu cho thấy, Hà Nội có hơn 1,4 triệu đối tượng thuộc diện cần hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP. Dự kiến kinh phí hỗ trợ là 3.527 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khó khăn với đối tượng tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương thì một trong những điều kiện để được hỗ trợ là họ phải đang làm việc trong các doanh nghiệp không có doanh thu.

Trên thực tế, có những doanh nghiệp đã thoả thuận với một số bộ phận lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương nhưng vẫn duy trì một bộ phận sản xuất kinh doanh cho nên doanh nghiệp vẫn có doanh thu; nhưng doanh thu không đủ chi trả cho người lao động.

Như vậy, những đối tượng lao động này có được hỗ trợ không? Bên cạnh đó, việc xác định nhóm đối tượng lao động tự do, thời điểm tạm dừng hợp đồng lao động cũng còn khó xác định.

Để gói an sinh xã hội sớm đến với đối tượng thụ hưởng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý kiến nghị, Bộ LĐ-TB&XH sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết việc triển khai các chính sách hỗ trợ với từng nhóm đối tượng cụ thể, làm căn cứ cho các địa phương triển khai chính xác, khách quan.

Ngoài những vướng mắc trong chính sách như Hà Nội, các tỉnh Nghệ An, Kiên Giang cho hay, theo Nghị định 42/NĐ-CP, địa phương phải đảm bảo 50% kinh phí hỗ trợ, tuy nhiên qua rà soát, số lượng người nhận hỗ trợ dự kiến rất lớn, kinh phí địa phương không đáp ứng được nên đề nghị có cơ chế hỗ trợ…

Trả lời một số thắc mắc, kiến nghị của các địa phương, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, nguyên tắc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 là hỗ trợ những người bị ảnh hưởng sâu, bị mất việc, giãn việc, thu nhập không bảo đảm mức sống tối thiểu. Như vậy, người lao động thuộc diện được hỗ trợ phải có mức sống dưới mức chuẩn nghèo, cận nghèo, chứ không phải tất cả người lao động mất việc, giảm thu nhập đều được hỗ trợ.

Với nhóm lao động tự do, ngoài việc không bảo đảm mức sống tối thiểu, những người thuộc diện được đề nghị hỗ trợ phải cư trú hợp pháp tại các địa phương.

Nếu họ đề nghị được hỗ trợ tại nơi tạm trú, thì nơi thường trú phải có xác nhận và ngược lại, để tránh việc trục lợi chính sách. Người được ưu tiên hỗ trợ là người làm công việc thu gom rác, phế liệu, xe ôm, bốc vác, bán vé số, làm việc tại các hộ kinh doanh lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo tính theo danh sách đến 31-12-2019 theo chuẩn nghèo của các tỉnh, thành phố. Nhóm đối tượng người có công tính theo danh sách hưởng trợ cấp của tháng 4-2020.

Nhóm đối tượng bảo trợ xã hội cũng tính theo danh sách hưởng trợ cấp của tháng 4-2020, nhưng chỉ áp dụng cho các đối tượng sống ngoài cộng đồng, không bao gồm các đối tượng đang được nuôi dưỡng thường xuyên tại các trung tâm bảo trợ xã hội…

Ghi nhận những ý kiến của các địa phương tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tất cả ý kiến của các địa phương sẽ được tập hợp  trả lời trong hai ngày 28 - 29/4.

Nhấn mạnh tính minh bạch của chính sách, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung  khẳng định, việc công khai danh sách hỗ trợ sẽ có sự tham gia của cán bộ Mặt trận ngay từ đầu để giảm khiếu kiện. Các Bộ ngành như Tài chính, Ngân hàng sẽ có văn bản hướng dẫn với những vướng mắc chưa rõ tại Quyết định 15 của Chính phủ.

Bên cạnh việc làm đúng và minh bạch, yếu tố khẩn trương được chú trọng. Những ngày qua, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị TP Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Hà Nam cố gắng chi hỗ trợ nhóm đối tượng người lao động tự do trước ngày 30/4.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội: Nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”

Khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp thì việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo đảm chống dịch, vừa nỗ lực sản xuất, kinh doanh không chỉ giúp doanh nghiệp trụ vững mà còn giữ đà tăng trưởng kinh tế của Thủ đô. Trên tinh thần "Chung sống an toàn với dịch Covid-19" các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Link bài gốc https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/go-vuong-trong-viec-thuc-hien-goi-ho-tro-62000-ti-dong/852112.antd