Hà Nội: Người dân hoang mang vì dự án đầu tư bị biến tướng?

13/09/2018 14:31

Kinhte&Xahoi Xã Vân Hà (Đông Anh) liên tiếp được phê duyệt thêm 2 dự án tương tự khiến cho người dân vô cùng hoang mang, lo lắng về sự thiết thực của các dự án tại đây.

Xã Vân Hà được biết đến là một xã có truyền thống sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu kinh doanh các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ trong nước và xuất khẩu...

Phản ánh của 28 hộ dân tại thôn Cổ Châu, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội trình bày những bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thực hiện dự án và trình tự thủ tục thu hồi đất làm dự án tại xã Vân Hà.

Nhà hàng, nhà ở mọc lên tại đất Dự án làng nghề xã Vân Hà.

Theo đó, ngày 12/10/2016, UBND huyện Đông Anh ban hành thông báo thu hồi đất để thực hiện Dự án chợ nguyên liệu gỗ, xã Vân Hà, huyện Đông Anh gửi tới các hộ dân có đất trong vùng dự án. Phần lớn diện tích đất dự kiến thu hồi trong vùng dự án là đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP. Tuy nhiên, lý do khiến người dân thôn Cổ Châu, xã Vân Hà vô cùng hoang mang và khó hiểu trước thông báo thu hồi đất ngày 12/10/2016 của UBND huyện Đông Anh là bởi trước đó, tại thôn Hà Khê cũng đã triển khai thu hồi đất của người dân để thực hiện dự án Cụm sản xuất tập trung làng nghề xã Vân Hà (với diện tích khoảng 9,3 ha).

Sau khi dự án Cụm sản xuất tập trung làng nghề xã Vân Hà hoàn thành đã không phát huy được mục đích sử dụng và hiện tại phần lớn diện tích đất tại dự án này vẫn bị hoang hóa một cách rất lãng phí…

Theo ghi nhận của phóng viên, tại Cụm sản xuất tập trung làng nghề xã Vân Hà, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ tuy nhiên đang có dấu hiệu xuống cấp do bị bỏ hoang nhiều năm; phần lớn diện tích đất tại dự án bị bỏ hoang cỏ mọc um tùm; một phần diện tích tại dự án được người dân chia nhỏ rồi xây nhà 3-4 tầng để ở và kinh doanh nhà hàng… Đặc biệt Dự án sản xuất tập trung làng nghề xã Vân Hà chỉ cách Dự án chợ nguyên liệu gỗ khoảng 0,5km…

Tuy là đất dự án Cụm sản xuất tập trung làng nghề xã Vân Hà nhưng rất khó để tìm thấy xưởng sản xuất, gia công, chế tác gỗ tại đây. Ngoài tâm lý hoang mang trước thông báo thu hồi đất quá bất ngờ, các hộ dân tại thôn Cổ Châu còn bày tỏ bức xúc khi cho rằng các cấp chính quyền huyện Đông Anh đã không thực hiện đúng quy định của Luật đất đai khi ban hành thông báo thu hồi đất để thực hiện Dự án chợ nguyên liệu gỗ, xã Vân Hà, huyện Đông Anh nhưng không tổ chức họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi.

UBND huyện Đông Anh ra quyết định về việc kiểm đếm bắt buộc đối với các hộ gia đình có đất nằm trong chỉ giới thu hồi GPMB thực hiện Dự án chợ nguyên liệu gỗ, xã Vân Hà, huyện Đông Anh khi chưa tổ chức vận động, thuyết phục người dân…

Được biết, dự án Cụm sản xuất tập trung làng nghề xã Vân Hà và dự án Chợ nguyên liệu gỗ xã Vân Hà, huyện Đông Anh là 2 dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh làm chủ đầu tư. Ngày 15/6/2018, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định số 2951/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp Thiết Bình (xã Vân Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) do chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư xây dựng Việt Nam, tổng mức vốn đầu tư khoảng 491,7 tỷ đồng.

Cụm công nghiệp Thiết Bình có diện tích được phê duyệt khoảng 22,2 ha. Ngành nghề hoạt động chủ yếu là cụm công nghiệp làng nghề, chế biến gỗ, mộc dân dụng, trạm khắc mỹ nghệ, sơn mài… Có thể thấy, xã Vân Hà có 5 thôn thì có đến 3 thôn có dự án nhưng trên thực tế tại dự án Cụm sản xuất tập trung làng nghề xã Vân Hà đã hoàn thành, phần nào phản ánh thực trạng sử dụng đất sai mục đích và nhu cầu sử dụng đất dự án của người dân địa phương.

Người dân thôn Cổ Châu cho rằng Dự án chợ gỗ nguyên liệu xã Vân Hà không khả thi, không phục vụ được lợi ích của người dân địa phương và lo ngại các dự án tại xã Vân Hà sẽ bị biến tướng để sử dụng sai mục đích.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này.

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Việt Phát: Tổng tài sản hơn 1,600 tỷ, nhưng nợ chiếm 82,3%

Tổng tài sản ghi nhận đạt tới 1.686 tỷ đồng, báo lãi tăng trưởng đột biến, nhưng 82,3% trong số đó là… nợ. Đó là nét chính trong BCTC tài chính Quý II/2018 của Công ty CP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (Việt Phát, mã: VPG).