Hà Nội rà soát, giãn, hoãn hơn 17 nghìn tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất

07/07/2020 17:42

Kinhte&Xahoi UBND TP Hà Nội đã kịp thời chỉ đạo rà soát, giãn, hoãn hơn 17 nghìn tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trên địa bàn, chiếm khoảng 45% của cả nước.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác tài chính ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 7/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết: Từ tháng 5/2020, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều tăng cao so với tháng trước. GRDP 6 tháng đầu năm tăng 3,39%, mức khá cao so với các tỉnh, TP và mức chung của cả nước; nếu bao gồm cả số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn, thu ngân sách trên địa bàn là 143.478 tỷ đồng, đạt 51,4% dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Chi ngân sách địa phương là 31.882 tỷ đồng, đạt 30,9% dự toán.

Thành phố đã rà soát, cắt giảm chi thường xuyên đợt 1 là 2.900 tỷ đồng. Cùng với đó, TP kịp thời chỉ đạo rà soát, giãn, hoãn hơn 17.100 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trên địa bàn, chiếm khoảng 45% của cả nước. Việc chi trả cho các đối tượng người có công, người nghèo, cận nghèo đã đạt 99,9%; thực hiện cho hơn 17.000 lao động mất việc làm, tạm hoãn, nghỉ việc không lương do ảnh hưởng của dịch. Thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, thu hút số dự án, số vốn tăng tương ứng gấp 5 và 11 lần so với hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản, để hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2020 ở mức cao nhất, trong 6 tháng cuối năm, thành phố tiếp tục thực hiện một số nhóm giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả chương trình, kế hoạch cải cách hành chính trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Hoàn thành 100% doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử; mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế; Tiếp tục đôn đốc thu hồi nợ đọng ngân sách; khai thác các nguồn thu có khả năng để bù đắp số giảm thu (thu từ đất, các khoản thu các của trung ương…).

Thứ hai, điều hành ngân sách chặt chẽ, linh hoạt, bám sát theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế; Bảo đảm nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Tiếp tục rà soát tiết kiệm chi tiêu thường xuyên theo nghị quyết của Chính phủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để bảo đảm cân đối ngân sách các cấp.

Thứ ba, triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo đảm đời sống cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; Bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định các khoản thu, chi ngân sách

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Cần loại bỏ tư duy ‘quyền anh, quyền tôi’

Trước quan điểm cho rằng rất khó để thuyết phục các cơ quan quản lý tự đề xuất cắt giảm các quy định quản lý chuyên ngành khi mà tư duy quản lý vẫn theo nếp cũ, thậm chí quan niệm “quyền anh, quyền tôi” vẫn tồn tại đâu đó, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM đã bày tỏ ý kiến của mình.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/ha-noi-ra-soat-gian-hoan-hon-17000-ty-dong-tien-thue-tien-thue-dat-389160.html