Hà Nội thận trọng thí điểm mô hình chính quyền đô thị

01/07/2021 08:06

Kinhte&Xahoi Ngày 1/7/2021, thành phố Hà Nội chính thức thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội tại các phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng chính quyền ở khu vực đô thị hiệu quả, tự chủ, năng động, hiện đại, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô, nên ngay từ những bước đầu tiên xây dựng đề án cho tới khi thực hiện thí điểm, Hà Nội đã chuẩn bị rất thận trọng, bài bản, sát thực tiễn.

Bài 1: Xây dựng đề án sát nhu cầu thực tiễn

 Năng lực quản lý, điều hành luôn là một vấn đề đau đầu của Hà Nội khi nhiều năm qua, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của thành phố chưa đạt được vị trí đầu như mong muốn. Hà Nội đã cố gắng bằng nhiều nỗ lực tạo nên những biến chuyển nhất định song thực tế, mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Cần một mô hình quản lý mới

 Nhìn nhận rõ hạn chế đó, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã chọn khâu đột phá là “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; Cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô”. Theo đó, một trong những định hướng trọng tâm phát triển Thủ đô là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp”.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục lựa chọn khâu đột phá trong phục vụ Nhân dân gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. (Ảnh minh họa)

Kết quả, sau 5 năm, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được tăng cường; Phương pháp chỉ đạo, điều hành có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả), “một việc, một đầu mối xuyên suốt”. Thành phố đã tích cực rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết đối với 261 thủ tục hành chính; Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100%, dẫn đầu cả nước… Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của Hà Nội liên tiếp trong 3 năm (2017, 2018, 2019) xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố cho thấy Thủ đô đã có hướng đi đúng và ổn định trong nâng cao năng lực quản lý, điều hành.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, trong một số lĩnh vực vẫn tồn tại những hạn chế, trong đó, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) vẫn không được như mong muốn.

Nhận định về hiệu quả hoạt động trong quản lý điều hành của thành phố thời gian này, nhiều ý kiến cho rằng, công tác quản lý của chính quyền đô thị Hà Nội bộc lộ những thiếu sót, yếu kém nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của quản lý Nhà nước ở đô thị lớn, làm hạn chế sự phát triển nhanh chóng, năng động của Thủ đô.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn, mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp của Hà Nội còn thiếu linh hoạt, thiếu khả năng tự quyết định, tự chịu trách nhiệm để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra; Cần thiết phải có sự phân cấp quản lý hợp lý để các đô thị chủ động tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Từ thực tế đó, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ thành phố tiếp tục lựa chọn khâu đột phá về nội dung này gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thành phố xác định tập trung nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị nhằm mục tiêu xuyên suốt là phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp; Theo đó, thành phố sẽ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Lấy ý kiến rộng rãi các phương án

 Khi xây dựng Đề án chính quyền đô thị để trình Bộ Chính trị quyết định, Hà Nội đã tiến hành các nghiên cứu bài bản theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan, thực hiện nghiên cứu 8 đề án nhánh; Thực hiện các cuộc nghiên cứu, đánh giá xã hội học đối với các đối tượng bị ảnh hưởng; Tổ chức 8 hội thảo đối với các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến đóng góp xây dựng đề án.

Thành phố tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Đề án đưa ra với hai phương án tổ chức chính quyền đô thị. Phương án 1: Hà Nội xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền. Một cấp hành chính ở cấp thành phố và quận huyện, một cấp hành chính ở xã, phường.

Về tổ chức chính quyền ở cấp thành phố và cấp quận, huyện, Hà Nội cơ bản giữ nguyên như hiện nay, gồm HĐND và UBND. Tuy nhiên, tổ chức chính quyền cấp xã, phường, thị trấn không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.

Theo lộ trình của phương án 1, việc không tổ chức HĐND phường được triển khai trước vào năm 2021; Thực hiện không tổ chức HĐND ở xã, thị trấn vào năm 2023.

Với phương án 2, chủ trương tinh gọn bộ máy được đề ra mạnh mẽ hơn với việc không tổ chức HĐND ở cả cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Cụ thể, Hà Nội sẽ xây dựng mô hình tổ chức một cấp thành phố, một cấp hành chính quận, huyện thị xã và một cơ quan hành chính đại diện ở xã phường thị trấn.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là sẽ có sự xáo trộn lớn trong bộ máy chính quyền ở 2 cấp (quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn), phải điều chỉnh ban hành một số quy định pháp luật và tác động đến tâm tư những người đang công tác ở hai cấp này.

Trên cơ sở Đề án do Thành ủy Hà Nội trình, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019, trong đó đã đề ra việc “thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức HĐND phường ở các quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội” và chỉ đạo “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Quốc hội trong năm 2019 ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội để thực hiện từ năm 2021 đến năm 2026”, “Ban Cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết nêu trên”.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội với 81,16% tổng số đại biểu tán thành. Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

(Còn nữa)

 Tú Linh

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã truy xuất nguồn gốc nông sản

Ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các hợp tác xã, DN về phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản nhằm quản lý chặt chẽ nguồn gốc nông sản, thực phẩm trên thị trường và minh bạch thông tin sản phẩm tới người tiêu dùng.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-than-trong-thi-diem-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-167716.html