Hiểu đúng về bảo hiểm thất nghiệp

07/09/2021 16:59

Kinhte&Xahoi Thất nghiệp cũng là một trong những rủi ro của quá trình công nghiệp hóa và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sẽ giúp ổn định và phát triển thị trường lao động. Nói cách khác, Quỹ BHTN chính là công cụ của nhà nước để quản trị thị trường lao động.

Quỹ BHTN nhiều điểm tích cực, vẫn còn hạn chế

Đánh giá việc thực hiện chính sách BHTN, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) Vũ Trọng Bình cho biết, thời gian qua, chính sách BHTN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, khi xảy ra đại dịch Covid-19 vừa qua, rủi ro về thị trường lao động đột biến và chưa từng xảy ra trước đây, trong bối cảnh đó, hệ thống BHTN đã đóng vai trò nổi bật.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc Làm phát biểu về vai trò của bảo hiểm thất nghiệp

Trước thời điểm giãn cách xã hội, mọi người hạn chế ra đường nhưng hệ thống thực hiện chính sách BHTN đặc biệt ở những tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…vẫn có hàng trăm nghìn người thất nghiệp đến các Trung tâm dịch vụ việc làm đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm việc làm mới, các cán bộ thực hiện chính sách BHTN vẫn làm việc bình thường để giải quyết cho người lao động. Đã có hơn chục nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động, hàng triệu người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm để quay trở lại thị trường lao động.

Tuy nhiên, một số chuyên gia hành chính công nhận định rằng, chính sách BHTN vẫn còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá kết quả thực hiện BHTN còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH đã chỉ rõ, đó là chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện BHTN còn nhiều điểm bất cập. Ngoài ra, còn nhiều bất cập khác trong quá trình thực hiện như: phần mềm giải quyết hưởng BHTN, kết nối dữ liệu, chia sẻ thông tin liên ngành, cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền, kiểm soát trục lợi BHTN…

Xây dựng Quỹ BHTN như một công cụ quản lý thị trường lao động

10 năm qua, kinh tế Việt Nam đã phát triển hết sức mạnh mẽ, quy mô kinh tế đã hơn gấp đôi. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nền kinh tế mở và hội nhập. Sau hơn 10 năm, chính sách BHTN đã không còn đáp ứng yêu cầu quy mô của nền kinh tế, đòi hỏi phải thiết kế chính sách mới trong quản trị Quỹ BHTN.

Quỹ BHTN như một công cụ quản lý thị trường lao động

Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình nhận định: "Quỹ BHXH không chỉ là công cụ an sinh xã hội mà thực chất là một công cụ quản trị thị trường lao động. Qua đánh giá của chúng tôi cho thấy, địa bàn nào công nghiệp hóa càng mạnh, thị trường lao động càng phát triển thì vai trò của Quỹ BHTN càng lớn. Thất nghiệp cũng là một trong những rủi ro của quá trình công nghiệp hóa và Quỹ BHTN sẽ giúp ổn định và phát triển thị trường lao động, là công cụ của nhà nước để quản trị thị trường lao động. Việc cải cách đổi mới chính sách BHTN chính là thực hiện chủ trương của Đảng , nhà nước về quản trị thị trường lao động thích ứng với thông lệ thế giới và đòi hỏi của thực tiễn hiện nay. Đề án được xây dựng phải đáp ứng được những kỳ vọng đó."

Được biết, để chính sách BHTN thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động, trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, trong đó có các nội dung về BHTN. Bên cạnh đó, cần đánh giá lại về năng lực và hiệu quả hoạt động cũng như vai trò của Trung tâm dịch vụ việc làm nhằm nâng cao vị thế, vai trò đối với việc thực hiện BHTN nói riêng và việc phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương nói chung.

Mục tiêu cụ thể hướng tới là: Đến 2025, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động tham gia BHTN; 100% người thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu; 15% người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo; hoàn tất việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu về BHTN giữa cơ quan lao động và cơ quan BHXH; 100% nhân sự thực hiện BHTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm được đào tạo, có cấp chứng chỉ nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên sâu; Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHTN đạt mức 85%…

Theo TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hieu-dung-ve-bao-hiem-that-nghiep-176492.html