Không để dịch bệnh COVID-19 lây lan trong công nhân lao động

11/04/2020 11:00

Kinhte&Xahoi Tháng Hành động diễn ra từ ngày 1-31/5 với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc."

Lao động trong ngành dệt may. (Ảnh: TTXVN)

"Không để dịch bệnh COVID-19 lây lan trong công nhân lao động" là một trong những nội dung trong văn bản Hướng dẫn các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2020 do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành ngày 10/4. 

Cụ thể, tất cả các cấp công đoàn trên toàn quốc thực hiện Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2020 từ ngày 1 đến 31/5 với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.’’

Các hoạt động hưởng ứng Tháng an toàn vệ sinh lao động được tổ chức trên nguyên tắc tập trung vào việc nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động về công tác an toàn vệ sinh lao động, nhất là lao động, sản xuất trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, sức khỏe của người lao động, không để dịch bệnh lây lan trong công nhân lao động; thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19, Ban Chỉ đạo Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động Trung ương, Tổng Liên đoàn và chính quyền địa phương về công tác phòng chống dịch COVID-19; tăng cường sự phối hợp giữa ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và tổ chức Công đoàn trong việc triển khai có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2020.

Theo Hướng dẫn, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật và kiến thức về an toàn vệ sinh lao động; giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống báo chí công đoàn, các trang thông tin điện tử, các fanpage, facebook của công đoàn các cấp về hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2020.

Công đoàn các cấp cần đẩy mạnh các phong trào thi đua, nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác an toàn vệ sinh lao động như: phong trào “Xanh-Sạch-Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động,” phong trào “Công nhân vì thành phố Xanh-Sạch-Đẹp”, phong trào lao động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động...; tổ chức ngày Chủ nhật Xanh “Vì an toàn vệ sinh lao động - vì sức khỏe người lao động,” qua đó thúc đẩy sự tham gia của người sử dụng lao động và người lao động trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.

Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thành lập, kiện toàn, xây dựng quy chế hoạt động của mạng lưới An toàn vệ sinh viên; đẩy mạnh việc phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các cơ sở sản xuất.

Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Bảo hiểm xã hội... trong các hoạt động thông tin tuyên truyền, huấn luyện và công tác phòng chống dịch COVID-19; phối kết hợp trong các hoạt động kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, tư vấn, đối thoại chính sách liên quan đến người lao động tại các doanh nghiệp; chăm lo, bảo đảm quyền lợi của đoàn viên và người lao động.

Công đoàn tổ chức các hoạt động, sự kiện chuyên đề về an toàn vệ sinh lao động hướng vào chủ đề, nội dung của Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động gồm: Tổ chức tư vấn trực tuyến chế độ chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh lao động cho người lao động; tổ chức Hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi, thi tìm hiểu về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, cách nhận biết và phòng chống dịch bệnh COVID-19… bằng các hình thức thi viết hoặc thi trên các nền tảng trực tuyến.

Tổ chức công đoàn các cấp tăng cường chỉ đạo công đoàn cơ sở quan tâm chăm lo bảo đảm bữa ăn giữa ca của người lao động, tăng cường sức khỏe trong mùa dịch thông qua việc thương lượng Thỏa ước lao động tập thể có nội dung về chất lượng bữa ăn ca và an toàn vệ sinh lao động nhằm bảo vệ sức khỏe lâu dài cho người lao động; tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người lao động ốm đau, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...

Công đoàn các cấp tiếp tục tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động,” các doanh nghiệp làm tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, quan tâm tạo điều kiện cho đội ngũ an toàn vệ sinh viên tại cơ sở; phát hiện, biểu dương, khen thưởng những tấm gương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất, có các mô hình hay, cách làm tốt, mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề xuất Tổng Liên đoàn khen thưởng theo quy định.

Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở đối thoại với người sử dụng lao động để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động về những vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc; kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn đối với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh, các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp./.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Số tiền hỗ trợ doanh nghiệp tương đương hơn 300 nghìn tỷ đồng

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương ngày 10-4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Theo TTXVN/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/khong-de-dich-benh-covid-19-lay-lan-trong-cong-nhan-lao-dong-d121644.html