Không để dịch tả lợn châu Phi xâm nhập

15/09/2018 09:35

Kinhte&Xahoi Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông, triển khai giải pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng qua (14/9), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý: “Nếu chúng ta chủ quan, lơ là thì hậu quả khi dịch bệnh tả lợn châu Phi xảy ra sẽ rất nặng nề, đe dọa ngành chăn nuôi, tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người nông dân”.

Ghi nhận nỗ lực, sự nhanh nhạy, kịp thời của Bộ NN&PTNT trong việc chủ động tham mưu, tổ chức Hội nghị rất quan trọng này để có thể ứng phó hiệu quả trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta, cũng như phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh trong vụ Thu Đông, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Khi quy mô chăn nuôi ngày càng lớn hơn, đồng nghĩa yêu cầu đối với công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi cũng phải đặt ra ở mức cao hơn rất nhiều so với trước đây”.

Không để dịch tả lợn châu Phi xâm nhập. Ảnh minh họa

Lưu ý tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều loại dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm, chưa từng có tại Việt Nam như dịch tả lợn châu Phi, đe doạ sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi và đời sống của người nông dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành TƯ, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ tập trung toàn lực chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, theo các nội dung của Công điện số 1194 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu của thông tin về diễn biến dịch bệnh.

Đồng thời, đề nghị nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới. “Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Triển khai vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn; nhanh chóng tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn. Thành lập và phân công trách nhiệm cụ thể cho các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Đối với công tác phòng chống dịch bệnh động vật vụ Thu Đông năm 2018-2019, Phó Thủ tướng yêu cầu trước hết phải tiếp tục đẩy mạnh công tác chủ động phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là các dịch bệnh động vật nguy hiểm, thường xảy ra ở Việt Nam như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh lợn, bệnh dại động vật. “Mục tiêu đặt ra là không để xảy ra ổ dịch lớn, không để dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào Việt Nam để bảo vệ sản xuất, đời sống của người dân”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Tổng cục Hải quan hoả tốc chỉ đạo ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Tổng cục Hải quan ngày 14/9 đã có văn bản hoả tốc gửi các Chi cục Hải quan trên cả nước yêu cầu kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, hàng nhập để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào Việt Nam.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tăng cường công tác chống buôn lậu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn điều tra, xử lý vi phạm đối với những hành vi vận chuyển trái phép, nhập lậu lợn và sản phẩm từ lợn.Về thực hiện thủ tục hải quan đối với mặt hàng lợn và các sản phẩm của lợn nhập khẩu, Tổng cục Hải quan yêu cầu, hàng hóa phải được quản lý tại cửa khẩu nhập đầu tiên; Không giải quyết thủ tục chuyển cửa khẩu, đưa hàng về bảo quản; Chỉ thông quan khi có Giấy chứng nhận kiểm dịch đạt yêu cầu của cơ quan kiểm dịch.

Trường hợp phát hiện các lô hàng lợn và sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới thì dừng làm thủ tục thông quan, đồng thời thông báo cho cơ quan liên quan để xử lý.

Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình và kết quả xử lý đối với những lô hàng lợn và các sản phẩm của lợn nhập khẩu bị nhiễm dịch bệnh nếu có về Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan. 

Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, Việt Nam tạm ngưng nhập khẩu thịt lợn từ Ba Lan và Hungary

Trước khi diễn ra Hội nghị, ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã ký 2 văn bản gửi Đại sứ quán Ba Lan và Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam để thông báo về việc tạm dừng nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn từ các tỉnh của hai quốc gia đang có dịch tả lợn châu Phi này.

Thời điểm áp dụng từ ngày 20/9/2018 cho đến khi các nước này công bố an toàn dịch tả lợn châu Phi theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới. Tuy nhiên, văn bản của Bộ NN&PTNT cũng nêu rõ vẫn cho phép nhập khẩu tiếp các lô thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ các địa phương đang có dịch tại Ba Lan và Hungary nhưng đã rời cảng xuất hàng trước ngày 20/9/2018. 

Từ đầu năm 2018 đến nay tại Hungary đã phát hiện có dịch tả lợn trên lợn rừng tại 2 tỉnh và tại Ba Lan đã phát hiện có dịch tả lợn châu Phi tại 5 tỉnh trên hơn 5.440 con lợn rừng và lợn nuôi. Theo tìm hiểu, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn không nhiều từ hai quốc gia nói trên mà chủ yếu từ Hoa Kỳ và Canada. 

 


Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Việt Phát: Tổng tài sản hơn 1,600 tỷ, nhưng nợ chiếm 82,3%

Tổng tài sản ghi nhận đạt tới 1.686 tỷ đồng, báo lãi tăng trưởng đột biến, nhưng 82,3% trong số đó là… nợ. Đó là nét chính trong BCTC tài chính Quý II/2018 của Công ty CP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (Việt Phát, mã: VPG).