Ban điều hành Masan Group tin tưởng giao dịch này đã sử dụng tối ưu lượng tiền mặt của công ty, kỳ vọng vào quỹ đạo lợi nhuận và tăng trưởng của The CrownX.
Khách hàng sử dụng dịch vụ đi chợ hộ tại VinMart
Tổng Giám đốc Masan Group Danny Le cho biết: “Năm 2021 đánh dấu bước ngoặt của VinCommerce khi hệ thống bán lẻ này bắt đầu có lợi nhuận. Ưu tiên hàng đầu của Masan Group là tái mở rộng hệ thống điểm bán để xây dựng chuỗi bán lẻ dẫn đầu về quy mô, đồng thời duy trì đà cải thiện lợi nhuận. Đây chính là nền tảng để Masan Group gia tăng đầu tư nhằm đẩy nhanh chiến lược tích hợp từ offline đến online (offline-to-online). Theo nhận định của chúng tôi dựa trên kết quả kinh doanh dự kiến của The CrownX vào năm 2021 và tiềm năng tăng trưởng của nền tảng tích hợp offline-to-online, định giá hiện nay của The CrownX chưa phản ánh chính xác giá trị công ty.”
Theo đó, dựa trên kết quả EBIT hòa vốn của VinCommerce (VCM) vào tháng 6/2021, Masan Group đã vạch ra lộ trình hướng đến EBIT dương (bao gồm các chi phí tại văn phòng chính) trong nửa cuối năm 2021.
Mở rộng quy mô, đặt mục tiêu hơn 3.000 điểm bán: Tăng trưởng like-for-like nửa đầu năm 2021 được thúc đẩy nhờ vào 300 - 500 cửa hàng VinMart+ được mở mới trong năm nay. Các cửa hàng mới dự kiến sẽ đạt EBITDA hòa vốn trong 6-12 tháng nhờ vào: Mô hình chuỗi cung ứng được cải tiến hiệu quả hơn, biên lợi nhuận thương mại tăng và danh mục sản phẩm phù hợp thị hiếu giúp thúc đẩy lưu lượng khách đến cửa hàng.
Ngoài ra, mô hình Kiosk Phúc Long trong VinMart+ cũng góp phần gia tăng lưu lượng khách và lợi nhuận của VinMart+. Tính đến cuối tháng 6/2021, có 50 cửa hàng VinMart+ thí điểm Kiosk Phúc Long đi vào hoạt động. Mỗi ngày, mô hình này dự kiến đóng góp thêm 5 triệu đồng doanh thu cho mỗi cửa hàng. Theo thỏa thuận, kiosk Phúc Long sẽ chia sẻ 20% doanh thu với VCM, tương đương với 1 triệu đồng/ngày. Ban Điều Hành đặt mục tiêu tính đến cuối năm 2021 sẽ có 1.100 cửa hàng VinMart+ tích hợp mô hình kiosk Phúc Long.
Minh Anh - Theo KTĐT