Ngân hàng MB có cấp 'ảo' giấy biên nhận thế chấp cho chủ xe?

19/09/2018 10:14

Kinhte&Xahoi Giấy biên nhận thế chấp của Ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Nghệ An cấp cho chủ xe là thật hay giả?

Trong một thời gian dài trước đây, có nhiều bất cập giữa Luật Giao thông đường bộ và pháp luật về giao dịch bảo đảm nên các phương tiện giao thông (thế chấp ngân hàng) khi lưu hành trên đường gặp khó khăn khi xuất trình giấy tờ với lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ.

Cụ thể, Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: người lái xe khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải mang theo 4 loại giấy tờ: đăng ký xe; giấy phép lái xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; và giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Bản sao giấy đăng ký xe 37B 022.21 cấp ngày 20/9/2017.

Trong khi đó, Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ quy định về giao dịch bảo đảm và Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006 (nay được hợp nhất trong Văn bản hợp nhất số 8019/VBHN-BTP ngày 10/12/2013) quy định đối với trường hợp tài sản thế chấp là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì bên thế chấp giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực.

Để giải quyết vướng mắc này, ngày 15/08/2017, tại văn bản 8601/VPCP-CN, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến cho phép người điều khiển phương tiện giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng (TCTD) còn hiệu lực thay cho bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông để tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian TCTD giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện. Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn TCTD cấp giấy biên nhận nêu trên.

Ngày 31/8/2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 7000/NHNN-PC hướng dẫn việc cấp Giấy biên nhận giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đang thế chấp tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Giấy biên nhận thế chấp).

Theo văn bản 7000/NHNN-PC, việc cấp Giấy biên nhận thế chấp của TCTD cho khách hàng đã thế chấp xe để vay tiền. Như vậy, phía ngân hàng sẽ vẫn giữ bản gốc giấy tờ xe nhưng chủ phương tiện sẽ dùng bản sao giấy tờ xe (chứng thực) và giấy biên nhận việc đã thế chấp (do ngân hàng cấp) để tham gia giao thông.

Vấn đề tưởng là đơn giản nhưng trong thực tế lại rất phức tạp vì đã có trường hợp do cán bộ ngân hàng không làm hết trách nhiệm đã xác nhận cho chủ phương tiện giấy biên nhận thế chấp để tham gia giao thông không chính xác thông tin gây khó khăn cho lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trong vấn đề xử lý vi phạm.

Như trường hợp chủ xe Hồ Mạnh T. với loại phương tiện là ô tô khách biển kiểm soát 37B 022.21, số khung RN5B46SCCHC010475, số máy WP12375N1417G083050 do Công an tỉnh Nghệ An cấp giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô số 057780 ngày 20/09/2017 (cấp lần đầu) đã có xe vi phạm chở quá số người quy định vào ngày 04/09/2018 do CSGT tỉnh Nghệ An lập biên bản, và đã trình một giấy biên nhận thế chấp do Ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Nghệ An có địa chỉ tại số 02, đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vinh cấp có hiệu lực đến ngày 21/09/2018.

Giấy biên nhận của Ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Nghệ An cấp ngày 02/05/2015.

Điều bất thường là giấy biên nhận của Ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Nghệ An được cấp ngày 02/05/2015 và do giám đốc là Trần Thị Huyền Trang ký đóng dấu. Phóng viên đã đến liên hệ trực tiếp tại ngân hàng này tìm hiểu thì thời điểm này, Giám đốc chi nhánh MB Nghệ An không phải là bà Trần Thị Huyền Trang mà lại là ông Hồ Sỹ Đạt làm giám đốc từ năm 2014 đến nay và từ trước đến nay chưa có giám đốc nào đại diện Ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Nghệ An mang họ tên này.

Như vậy, phải chăng Giấy xác nhận thế chấp tài sản lại có trước khi có tài sản tới hơn hai năm? Người ký tên dưới chức danh Giám đốc lại không phải là Giám đốc chi nhánh Nghệ An, mục đích của việc làm này dù là như thế nào thì đều chưa đúng với quy định pháp luật. Và cũng không thể không đặt ra câu hỏi liệu có bao nhiêu Giấy xác nhận thế chấp như thế này đã được phát hành cho các cá nhân, tổ chức bên ngoài xã hội?

Trong thời gian vừa qua, được biết hiện nay nhiều chi nhánh ở Nghệ An của các ngân hàng TMCP đang diễn ra rất sôi động và phong phú nhưng nợ xấu của các ngân hàng này cũng đang gia tăng chóng mặt. Một trong những nguyên nhân sâu xa của nó là hồ sơ vay vốn có nhiều nội dung vi phạm (chúng tôi sẽ có bài cụ thể ngân hàng này vào bài sau). Vậy giấy biên nhận này thật hay giả?

Với dư luận gần đây được các nhà xe thông tin có thêm dịch vụ làm giấy thế chấp ngân hàng để đối phó với các lực lượng cơ quan chức năng phải chăng là có thật?

Ngân hàng Nhà nước cũng quy định rõ Văn bản xác nhận của TCTD nhận thế chấp về việc TCTD giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đã cấp trước ngày 01/09/2017 không có giá trị kể từ ngày 1/12/2017.

Thiết nghĩ, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An cũng như cơ quan chức năng cần làm rõ sự việc này để đảm bảo sự ổn định của hoạt động ngân hàng cũng như đảm bảo cho việc thực thi pháp luật của các cơ quan khác như lực lượng Cảnh sát giao thông và các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý.

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Việt Phát: Tổng tài sản hơn 1,600 tỷ, nhưng nợ chiếm 82,3%

Tổng tài sản ghi nhận đạt tới 1.686 tỷ đồng, báo lãi tăng trưởng đột biến, nhưng 82,3% trong số đó là… nợ. Đó là nét chính trong BCTC tài chính Quý II/2018 của Công ty CP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (Việt Phát, mã: VPG).