Ngành công nghiệp hỗ trợ: Nỗ lực liên kết để hội nhập toàn cầu

24/12/2023 10:23

Kinhte&Xahoi Với mong muốn góp phần vào mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, lực lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam quyết tâm đạt tỷ trọng 5%-10% trên tổng số doanh nghiệp cả nước. Trong đó, việc liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia được cho là con đường ngắn nhất để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hội nhập toàn cầu.

Sản xuất linh kiện máy công nghiệp tại Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và Chuyển giao công nghệ, Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Quang Thái

Thiếu doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh

Theo Bộ Công Thương, cả nước hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện, phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước, 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, mới có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khi đó, hằng năm nước ta phải nhập khẩu hàng nghìn linh phụ kiện phục vụ cho các ngành công nghiệp lên tới hàng chục tỷ USD/năm, riêng ngành Điện tử và ô tô đã lên tới 50-60 tỷ USD/năm. Đây là con số không nhỏ về nhu cầu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đồng thời cũng là một thị trường hấp dẫn và tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nỗ lực phát triển để có thể chiếm lĩnh được thị phần.

Tuy nhiên, những năm qua, thị trường này vẫn còn “bỏ ngỏ” vì sự thiếu hụt sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng như thiếu các doanh nghiệp Việt có năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực này. Cả nước chỉ có khoảng 0,2% trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại một số nước ngay trong khối ASEAN.

Phân tích thực trạng này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Đỗ Thị Thúy Hương cho biết, ngoài xuất phát điểm thì phải kể tới đặc thù của ngành công nghiệp này là ngành yêu cầu tập trung vốn, công nghệ. Đây lại là hai điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam, do doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế về nguồn lực. Vì thế, năng lực phát triển và đáp ứng yêu cầu trong chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh cho biết, dù Chính phủ đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các hoạt động tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) và doanh nghiệp Việt Nam nhưng sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI còn lỏng lẻo; nguồn lực xã hội chưa tập trung nhiều vào đầu tư sản xuất do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác. Trong khi đó, dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển công nghiệp không còn nhiều do phải tuân thủ các cam kết quốc tế.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Điện - Điện tử Mê Trần (tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: Danh Lam

Hoàn thiện chính sách giúp doanh nghiệp phát triển

Có một thực tế, những chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu đều được dẫn dắt bằng những tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp nào đi sau muốn nhập cuộc phải tham gia vào chuỗi này. Vì vậy, con đường ngắn nhất để doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu chính là liên kết với các công ty đa quốc gia.

Cục Công nghiệp cho rằng, để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn, nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian tới, cần thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử… Cùng với đó, cần phải hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng, tạo động lực phát triển công nghiệp, đặc biệt là xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm sớm nhất.

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn N&G cho rằng, bên cạnh nội lực chủ động của từng doanh nghiệp, không thể không nói đến vai trò của các trung tâm hỗ trợ công nghiệp, các hội và hiệp hội. Đây chính là cầu nối để giúp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận được thị trường, gặp gỡ các doanh nghiệp đầu chuỗi, thực hiện cải tiến sản xuất, giảm được chi phí, giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội hiện có khoảng gần 500 doanh nghiệp hội viên, định hướng phát triển lên khoảng 3.000- 5.000 doanh nghiệp hội viên vào năm 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã có nhiều chương trình, sáng kiến để thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng kiến nghị, Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành Luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trước mắt, cần ban hành nghị quyết về chính sách thí điểm cho doanh nghiệp trong ngành. Đồng thời, cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn (lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp...), vì theo các quy định về điều kiện vay vốn (tài sản bảo đảm tiền vay, vốn đối ứng của chủ đầu tư, lãi suất vay, thời gian vay...) vẫn còn trở ngại đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Mặt khác, Nhà nước cần có quy hoạch hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu tại 3 miền Bắc - Trung - Nam, hỗ trợ đào tạo lao động chất lượng cao, hỗ trợ công nghệ khi nhập khẩu các thiết bị cũ đã qua sử dụng nhưng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và Việt Nam, trực tiếp dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sản xuất; kết nối các tập đoàn lớn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ…

Thanh Hiền - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/nganh-cong-nghiep-ho-tro-no-luc-lien-ket-de-hoi-nhap-toan-cau-653954.html