Nhãn hiệu Nhôm Việt Pháp SHAL: Cục cấp, Viện bác?

12/06/2019 11:20

Kinhte&Xahoi Chỉ trong vòng chưa đầy 40 ngày, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ ban hành liên tiếp 2 văn bản kết luận giám định về cùng 1 đối tượng với kết quả giám định trái ngược nhau.

Kết luận giám định sau “đá” kết luận giám định trước, “đá” luôn cả các văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ do Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng ký. “Nạn nhân” của sự vụ trên là thương hiệu Nhôm Việt Pháp Shal thuộc quyền sở hữu của Công ty Cổ phần Nhôm Việt Pháp Shal – Nhà máy Nhôm Việt Pháp.


Một văn bằng do Cục Sở hữu trí tuệ cấp thể hiện quyền sở hữu trí tuệ của Công ty CP Nhôm Việt Pháp với thương hiệu "Nhôm Việt Pháp SHAL".

Cục cấp…

Công ty Nhôm Việt Pháp SHAL – Nhà máy Nhôm Việt Pháp đã mạnh dạn đi tiên phong trong việc đầu tư dây chuyền sản xuất nhôm hợp kim định hình cao cấp, công nghệ hiện đại bậc nhất Châu Âu. Hệ thống máy móc và dây chuyền công nghệ trị giá hơn 1000 tỷ đồng của nhà máy được chuyển giao từ các Tập đoàn nổi tiếng thế giới như: Decoral System SRL (Italia), Kautec (Tây Ban Nha), Wagner (Đức)... Với quy trình sản xuất tự động hóa cao, quản lý sản xuất chuyên nghiệp, đội ngũ kỹ thuật lành nghề được điều hành bởi các chuyên gia nước ngoài dày dạn kinh nghiệm, nhôm Việt Pháp SHAL cung cấp những sản phẩm có chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

 “Từ năm 2012, chúng tôi đã ý thức được việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu Nhôm Việt Pháp SHAL nên ngày 08/10/2012 đã gửi đơn đăng ký nhãn hiệu tới Cục Sở hữu trí tuệ. Sau 4 năm nộp đơn, trải qua nhiều khâu thẩm định, tới ngày 08/07/2016, chúng tôi đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu số 265361. Theo đó, nhãn hiệu “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL” được bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam cho sản phẩm “Nhôm thanh định hình”, ông Đinh Huy Chỉnh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhôm Việt Pháp SHAL – Nhà máy Nhôm Việt Pháp cho biết.

“Để đảm bảo hơn nữa quyền sở hữu thương hiệu Nhôm Việt Pháp SHAL, trong các năm 2016, 2017 công ty đã tiếp tục nộp nhiều đơn đăng ký nhãn hiệu tới Cục Sở hữu trí tuệ. Nội dung đăng ký nhãn hiệu chủ yếu xoay quanh các cụm từ “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL”, “VIET PHAP ALUMINIUM”, “VIET PHAP SHAL ALUMINIUM”. May mắn là chúng tôi đều vượt qua các khâu thẩm định từ Cục Sở hữu trí tuệ để được cơ quan này cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho những nhãn hiệu nêu trên. Do đó, theo Luật Sở hữu trí tuệ, chúng tôi là đơn vị độc quyền duy nhất được sản xuất nhôm thanh định hình gắn nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp SHAL. Các cá nhân, tổ chức có hành vi sản xuất, buôn bán nhôm thanh định hình gắn thương hiệu Nhôm Việt Pháp SHAL trên sản phẩm đều vi phạm pháp luật”, ông Đinh Huy Chỉnh nói thêm.

Đồng quan điểm với ông Chỉnh, Luật sư Lê Văn Hồi – Giám đốc Công ty Luật My Way nói: “Khi một thương hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, việc các cá nhân, tổ chức khác sử dụng nhãn hiệu đó hoặc các yếu tố chính cấu thành nên nhãn hiệu đó để thể hiện trên sản phẩm hàng hóa của mình thì cá nhân, tổ chức đó xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu theo điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ. Nghiêm trọng hơn, nếu cá nhân, tổ chức đó cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với nhãn hiệu mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu giúp cá nhân, tổ chức đó thu lời từ 100 triệu đồng trở lên thì cá nhân, tổ chức đó có thể bị khởi tố theo điều 226 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ 06 tháng tới 03 năm”.

….Viện “tước”. 

“Do sản phẩm của chúng tôi đã định hình được thương hiệu, chất lượng nên nhiều cá nhân, công ty đã trắng trợn ăn theo làm hàng giả, hàng nhái rồi gắn các yếu tố thương hiệu đã được bảo hộ của chúng tôi lên sản phẩm. Vì vậy, chúng tôi đã bỏ rất nhiều công sức ra làm công tác đấu tranh bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả, hàng nhái để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng”, ông Đinh Huy Chỉnh – Tổng Giám đốc Công ty Nhôm Việt Pháp SHAL – Nhà máy Nhôm Việt Pháp cho hay. 

Để chuẩn bị cho công tác đấu tranh chống hàng giả, Công ty Nhôm Việt Pháp đã phải chuẩn bị rất nhiều tư liệu và hồ sơ pháp lý. “Chúng tôi phải làm công tác thăm dò, nắm bắt thị trường để biết nơi nào sản xuất, buôn bán hàng giả. Sau đó, chúng tôi phải lấy mẫu sản phẩm của nơi đó để làm đơn gửi Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đề nghị giám định xem mặt hàng đó có xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, có phải hàng giả, hàng nhái hay không. Khi nhận được kết luận giám định từ Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, chúng tôi mới gửi đơn tố cáo việc sản xuất kinh doanh hàng giả tới cơ quan công an, quản lý thị trường để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình", ông Đinh Huy Chinh nói.

Theo hồ sơ Công ty Nhôm Việt Pháp SHAL – Nhà máy Nhôm Việt Pháp cung cấp, công ty này đã nhiều lần gửi đơn đề nghị giám định tới Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ. Kèm theo đơn là các mẫu sản phẩm của các cá nhân, tổ chức mà Công ty Nhôm Việt Pháp SHAL – Nhà máy Nhôm Việt Pháp cho rằng sản phẩm đó có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, làm giả, làm nhái thương hiệu Nhôm Việt Pháp SHAL. Cụ thể, các sản phẩm bị đề nghị giám định đều có in dòng chữ “NHÔM VIỆT PHÁP”, “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL”, hoặc “VIETPHAP SHAL” trên tem của sản phẩm.

Sau khi nhận đơn đề nghị giám định từ Công ty Cổ phần Nhôm Việt Pháp SHAL – Nhà máy Nhôm Việt Pháp, với nội dung thể hiện thông tin, hình ảnh sản phẩm của đối tượng bị giám định nêu trên, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã ra các kết luận giám định số NH166-19YC/KLGĐ ký ngày 12/04/2019 và kết luận giám định số: NH124 – 19YC/KLGĐ ký ngày 22/03/2019 với nội dung kết luận chính thể hiện các sản phẩm không phải do Công ty Cổ phần Nhôm Việt Pháp SHAL – Nhà máy Nhôm Việt Pháp sản xuất nhưng dán các nhãn hiệu “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL” hoặc “VIETPHAP SHAL” là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đối với nhãn hiệu “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 292021 của Công ty Cổ phần Nhôm Việt Pháp SHAL – Nhà máy Nhôm Việt Pháp.

 
Một kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ từng kết luận hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Nhôm Việt Pháp SHAL của công ty khác khi công ty này dùng cụm từ "VIETPHAP SHAL" trên tem sản phẩm. 

Từ các kết luận giám định nêu trên, Công ty Cổ phần Nhôm Việt Pháp SHAL – Nhà máy Nhôm Việt Pháp, đã làm đơn tố giác gửi cơ quan công an nhiều địa phương để tố giác hành vi sản xuất và kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm nhôm thanh định hình mang thương hiệu “Nhôm Việt Pháp SHAL” của một số công ty.

“Từ đơn thư, tài liệu chúng tôi cung cấp, lực lượng công an nhiều địa phương như Phú Thọ, Hưng Yên, Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra và tạm giữ hàng trăm tấn hàng nhôm thanh định hình của một số công ty dán các thương hiệu “NHÔM VIỆT PHÁP”, “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL”, “VIETPHAP SHAL” vi phạm pháp luật. Khi chúng tôi tin rằng công lý sẽ được thực thi thì Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ lại ban hành hàng loạt các kết luận giám định khác với nội dung đã kết luận trước đây, phủ nhận hoàn toàn kết luận giám định mà họ đã ban hành khi chúng tôi yêu cầu giám định với chính đối tượng hàng hóa đó từ trước – nghĩa là Viện kết luận nhiều Công ty sử dụng cụm từ “NHÔM VIỆT PHÁP”, “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL”, “VIETPHAP SHAL” trên các sản phẩm của họ không phải là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu...

Như vậy, mặc dù thương hiệu “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL” của chúng tôi đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ nhưng theo kết luận của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thì văn bằng bảo hộ đó không có giá trị gì? Cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ bị mất phương hướng trong việc xử lý. Ngoài việc mất thương hiệu, chúng tôi còn đối diện nguy cơ bị các công ty khác kiện ngược trở lại. Chúng tôi sẽ phải làm gì, sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng nào cùng vào cuộc để tiếp tục bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ là các thương hiệu “NHÔM VIỆT PHÁP SHAL”, “VIET PHAP ALUMINIUM”, “VIET PHAP SHAL ALUMINIUM” đã được bảo hộ của chúng tôi?”, đại diện Công ty Cổ phần Nhôm Việt Pháp SHAL – Nhà máy Nhôm Việt Pháp cay đắng kết luận.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Theo KD&PL


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM