Nhận hối lộ bao nhiêu thì bị tử hình?

26/05/2020 21:53

Kinhte&Xahoi Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc, Hãng Luật TGS- (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) Nếu nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên có thể đối diện với những khung hình phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Mới đây, một số hãng thông tấn, báo của Nhật Bản như Asahi, Kyodo, Nikkei...đã đưa tin Công ty TNHH Tenma Việt Nam (công ty mẹ tại Tokyo, Nhật Bản) đã khai báo 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên cho một số cán bộ, công chức Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có ý kiến chỉ đạo về thanh tra, kiểm tra, xác minh thông tin này.

Trước sự việc trên, báo PLVN có buổi phỏng vấn với Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) để tìm hiểu rõ hơn về sự việc. 

Theo luật sư, nếu sự việc đúng như dư luận nêu thì chúng ta phải xử lý thế nào?

Tại Điều 4 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm là của mọi công dân, Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức, cá nhân phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm

Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp của Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội, pháp nhân phạm tội.

Theo Điều 163 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, khi nhận được đơn tố giác tội phạm của cá nhân, tổ chức hoặc tự mình điều tra, cơ quan điều tra có thẩm quyền xác minh, điều tra có hay không hành vi vi phạm pháp luật. Sau khi kiểm tra/điều tra, xác minh nhận thấy có dấu hiệu của tội phạm thì khởi tố vụ án hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra hình sự (Điều 4 Luật tổ chức các cơ quan điều tra hình sự năm 2015) để điều tra theo đúng thẩm quyền.

Sau khi điều tra, xác minh có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành khởi tố vụ án để điều tra, truy tố bị can và xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Những cán bộ nhận hối lộ sẽ nhận khung hình phạt ra sao, thưa ông?

Chúng ta đã biết, hành vi nhận hối lộ bị pháp luật nghiêm cấm do xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước và được quy định tại Bộ luật hình sự.

Theo Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có hiệu lực ngày 01/01/2018, hành vi nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 với mức hình phạt tù từ 2 năm đến chung thân, tử hình. Ngoài ra người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc, Hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội). 

Việc xử phạt người có hành vi nhận hối lộ cần xác định được thời điểm thực hiện hành vi nhận hối lộ để áp dụng văn bản pháp luật. Đồng thời khi tiến hành xét xử, tòa án căn cứ văn bản số: 276/TANDTC-PC của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực ngày 01/01/2010 quy định mức hình phạt cho hành vi này là phạt tù từ 2 năm đến chung thân, tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 1 lần đến 5 lần giá trị tài sản hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo quan điểm cá nhân Luật sư, việc này gây ảnh hưởng thế nào đến uy tín, hình ảnh đất nước con người Việt Nam?

Sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác minh, điều tra và xác định có hành vi nhận hối lộ của một số cán bộ sẽ ảnh hưởng tiêu cực vô cùng lớn trong thời điểm này. Trong thời điểm một số doanh nghiệp có ý định chuyển sang Việt Nam, khi sự việc này bị phanh phui sẽ khiến doanh nghiệp có ý định chuyển nhà máy và đầu tư vào Việt Nam sẽ xem xét lại.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đưa ra Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (CPI) 2019 vào ngày 23 tháng 1 năm 2020, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên nhận thức của chuyên gia kinh doanh và quốc gia về tham nhũng trong khu vực công tại các quốc gia/vùng lãnh thổ đó. Việt Nam đạt 37/100 điểm, tăng 4 điểm so với năm 2018, xếp thứ 96/180 về chỉ số toàn cầu.

Kết quả tiến bộ năm 2019 phản ánh những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc cải thiện và thực thi chính sách và pháp luật chống tham nhũng, đặc biệt là tăng cường điều tra, truy tố và xét xử một số vụ án tham nhũng lớn. Hành vi nhận hối lộ là một hình thức của tham nhũng.

Có thể khẳng định tham nhũng chính là trở lực vô cùng lớn đối với quá trình đổi mới đất nước, nó làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước, ngăn cản đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Không có gì đáng sợ hơn sự mất lòng tin từ dân chúng, một đất nước chỉ có thể phát triển, có thể trở nên giàu mạnh khi có sự chung tay góp sức của toàn thể dân tộc.

Lê-nin đã từng nói: “Nếu có cái gì đó sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chúng là quan liêu, tham nhũng; nếu không thành công trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng thì sớm hay muộn, đến lượt nó, tệ quan liêu tham nhũng sẽ làm tiêu vong sự nghiệp của những người cộng sản”.

Khi không thúc đẩy sự liêm khiết trong bộ máy quản lý nhà nước, tham nhũng làm chậm nhịp độ phát triển kinh tế, phá vỡ những chiến lược cũng như những kế hoạch phát triển, gây thiệt hại to lớn về vật chất cho cả nhà nước và người dân.

Trong quan hệ kinh tế giữa các quốc gia, tham nhũng cũng là mối đe dọa đến hiệu quả của sự hợp tác song phương và đa phương. Nó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng và chủ yếu nhất làm kìm hãm sự phát triển của thế giới hiện đại.

Tham nhũng là tác nhân làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội, làm phá hoại những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Không những thế, tham nhũng đem lại sự nghèo khổ cho một bộ phận không nhỏ những người lao động chân chính, làm tha hóa biến chất bộ máy quan chức trong lĩnh vực công.

Điều đáng báo động là một số cán bộ, công chức coi hành vi tham nhũng là hành vi bình thường. Nhiều người cho rằng vì là quản lý nên tất nhiên họ cần được “bồi dưỡng”. Đó chính là biểu hiện của sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức một cách vô cùng nghiêm trọng.

Như vậy, có thể thấy hành vi nhận hối lộ, tham nhũng của một bộ phận cán bộ tha hóa biến chất làm ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như việc tận dụng ngoại lực để phát triển đất nước.

Theo quan điểm của Luật sư, trước thông tin dư luận đang nghi vấn về việc cán bộ tỉnh Bắc Ninh có nhận hối lộ 25 triệu Yên, cơ quan chức năng của Nhà nước cần phải làm gì để tránh bỏ lọt người nhận hối lộ?

Việc buộc cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật phải chịu sự trừng phạt của pháp luật cần có sự phối hợp, kiểm tra của các cơ quan tư pháp như: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án.

Trước diễn biến của tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt, nhất là tội phạm về tham nhũng, chức vụ,… đòi hỏi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra phải không ngừng nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực thực thi pháp luật.

Viện kiểm sát chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra (CQĐT) ngay từ khi phát hiện tội phạm và trong suốt quá trình điều tra; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh; phát hiện và yêu cầu CQĐT khắc phục những thiếu sót, vi phạm; bảo đảm việc xử lý vụ án có căn cứ, đúng pháp luật. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa được khởi tố Viện kiểm sát phải kiên quyết yêu cầu CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhằm chống bỏ lọt tội phạm. Trường hợp CQĐT không thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện Kiểm sát, phải kiểm tra nguyên nhân và có biện pháp phối hợp giải quyết. Trước khi kết thúc điều tra vụ án hình sự, truy tố bị can, người tiến hành tố tụng phải nghiên cứu thật kỹ hồ sơ, xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được.

Khi ban hành các quyết định xử lý vụ án hình sự phải bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật; việc truy tố phải đúng người, đúng tội danh, đúng thời hạn luật định; kiểm sát chặt chẽ các trường hợp tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra để bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật, khắc phục việc lạm dụng khoản Điều 29 Bộ luật hình sự để đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự không đúng quy định của pháp luật; thường xuyên đôn đốc việc bắt truy nã để phục hồi điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu đúng như Báo chí phản ánh, cán bộ của tỉnh Bắc Ninh có nhận hối lộ thì có thể đối diện với những khung hình phạt nào, thưa Luật sư?

Như báo chí đưa tin thì một công ty của Nhật Bản đã hối lộ cho cán bộ cơ quan nhà nước với số tiền 25 triệu Yên (tương đương khoảng hơn 5 tỷ đồng). Nếu nhận hối lộ số tiền nêu trên có thể bị phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình khi nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên. Theo quy định tại khoản 4 Điều 354 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Ngoài ra cũng cần có sự điều tra làm rõ của CQĐT nếu có 2 cá nhân nhận hối lộ trở lên, xác định mức độ vi phạm của từng người cụ thể và tính tổ chức để có hình phạt thích đáng theo quy định từ khoản 1 đến khoản 4 Điều 354 BLHS.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đổi mới tư duy phát triển

Trên diễn đàn kỳ họp Quốc hội, đại biểu thảo luận sôi nổi về câu chuyện đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Các “nhà thiết kế” Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) muốn “quản” đến tận “hộ”.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/nhan-hoi-lo-bao-nhieu-thi-bi-tu-hinh-d125493.html