Nhiều doanh nghiệp phá sản, lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng: Bất hợp lý đừng để kéo dài

12/07/2021 09:46

Kinhte&Xahoi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có một phương án quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn trong xây dựng cơ chế hỗ trợ DN tiếp cận vốn.

 Ảnh minh họa

“Lệch pha” trong cách tiếp cận vốn

 Chật vật đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch, nhiều DN hiện đang đứng bên bờ vực phá sản thì bức tranh ngành ngân hàng lại hoàn toàn ngược lại. Sau khi có mức tăng trưởng khá trong năm 2020, trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành ngân hàng đã vượt xa các DN khác về tăng trưởng lợi nhuận.

Trên các báo cáo kinh doanh đã công bố, nguyên nhân lãi lớn của các ngân hàng chủ yếu đến từ việc đẩy mạnh tín dụng trong 6 tháng đầu năm, kéo giãn biên lãi ròng (NIM) - tức chi phí vốn vay lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay không giảm tương xứng. Chưa kể nhiều ngân hàng còn huy động được lượng lớn trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất thấp; đa dạng hóa nguồn thu và linh hoạt trong chi phí vào thời điểm hiện tại (dịch vụ hợp tác bảo hiểm, dịch vụ tư vấn, bảo lãnh phát hành chứng khoán cũng hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng).

Bên cạnh đó lợi nhuận khả quan còn đến từ Thông tư số 03/2021/TT-NHNN mới đây của NHNN, mở rộng phạm vi các khoản dư nợ, được phép giữ nguyên nhóm nợ, cũng như bổ sung quy định phân bổ trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tái cơ cấu, giãn dần trong 3 năm... đã giảm bớt chi phí dự phòng cho ngân hàng, đặc biệt trong năm 2021.

Tuy nhiên, trong khi một số ngân hàng lãi lớn, tín dụng tăng cao thì khu vực DN chứng kiến số lượng lớn DN rút khỏi thị trường. Điều này có thể giải thích như sau:

NHNN yêu cầu hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho DN thông qua các giải pháp, biện pháp trên tinh thần hỗ trợ tích cực, thực chất. Đặc biệt, hỗ trợ DN nhưng phải bảo đảm an toàn, duy trì năng lực tài chính cho bản thân ngân hàng, cho cả hệ thống ngân hàng và cho toàn bộ nền tài chính quốc gia. Trong khi đó, việc gia hạn nợ cho các DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến cho tình trạng nợ xấu của các ngân hàng chưa được đánh giá chính xác trên các báo cáo tài chính gần nhất. Tuy nhiên, một khi con số nợ xấu bị lộ rõ, các khoản chi phí dự phòng tăng mạnh sẽ ăn mòn lợi nhuận ngân hàng trong thời gian tới. Do đó, DN khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng nếu không đủ điều kiện vay, giãn hoãn nợ thì ngân hàng không thể thực hiện được, do có thể gia tăng nợ xấu của ngân hàng.

Trong khi hiện nay, dịch Covid-19 làm không ít DN kiệt quệ, công nhân phải nghỉ hàng loạt. Công việc bị đình trệ không có sản phẩm để giao dẫn đến bị hủy hợp đồng, không có doanh thu, kinh doanh thua lỗ, khiến việc tiếp cận vốn ngân hàng càng thêm khó.

Việc khó tiếp cận này đến từ cả hai phía, một mặt vì DN suy yếu, sức khoẻ tài chính không đủ để đáp ứng tiêu chuẩn cho vay. Trong khi về phía ngân hàng cũng rất sợ có nợ xấu, nên sẽ ngần ngại và chần chừ cho các đối tượng đang suy yếu, nếu đó không phải là khách hàng thân thiết, có lịch sử tín dụng và có khả năng trả nợ tốt. Vì thế mà câu chuyện ngân hàng lãi nhưng DN khó khăn vẫn luôn tồn tại bấy lâu.

Tổ hợp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn: Bao giờ?

Để bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam đang nỗ lực vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình đã bị đình trệ trong thời gian dài.

DN cần được tiếp cận vốn nhanh. Cần đẩy mạnh các gói vay không tài sản bảo đảm (vay tín chấp). Phương án bảo lãnh vay vốn để cứu DN trong bối cảnh các ngân hàng đang “khép cửa” vì lo ngại nợ xấu, trên thực tế đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua mà vẫn chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, giờ đây việc tính toán gói hỗ trợ mới là cần thiết.

Chính phủ và NHNN phải có một phương án quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề này. Không những xây dựng các gói hỗ trợ mà phải thành lập một cơ chế riêng để có thể hỗ trợ cho các DN.

Cơ chế đó là NHNN đứng ra chủ trì để thành lập tổ hợp tín dụng với quy mô 3 - 3,5% tổng dư nợ cho vay hiện nay, tức khoảng 300.000 tỷ đồng, để cho các DNNVV có cơ hội tiếp cận tín dụng. Đây là khoản vay tín chấp, tức DN không cần phải có tài sản bảo đảm, năm đầu ân hạn nợ gốc và chỉ trả lãi. Khoản vay có kỳ hạn khoảng 5 năm.

Với phương pháp này, lãi suất cũng phải hạ bằng cách các ngân hàng sử dụng tài khoản vãng lai và tài khoản không kỳ hạn (CASA) để đóng góp vào tổ hợp cho vay, đâu đó ở mức lãi suất từ 3 - 5%. Hiện, nguồn tiền CASA (nguồn tiền gửi không kỳ hạn và tiết kiệm không kỳ hạn) đang chiếm khoảng 20% trên tổng vốn huy động. Các ngân hàng thương mại có thể lấy nguồn đó tham gia vào “tổ hợp tín dụng”, từ đó có cho thể cho vay với lãi suất thấp từ 3 - 5%/năm. Đối tượng vay vốn sẽ là DN và hộ kinh doanh, không bao gồm cá nhân. Điều kiện vay phải là những DN còn có khả năng “sống sót” chứ không phải toàn bộ.

Tuy nhiên, để tổ hợp này hoạt động được, Chính phủ cần phải lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, để bảo lãnh cho tổ hợp tín dụng quy mô 300.000 tỷ đồng. Vì rủi ro nợ xấu nên chỉ có quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia thì ngân hàng mới dám cho vay. Hiện nay mỗi địa phương đều có các quỹ bảo lãnh tín dụng để DN được vay, nhưng chỉ dừng lại ở quy mô từng tỉnh, vốn nhỏ không đáng kể và không hiệu quả.

Chính phủ nên phát triển quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, bảo lãnh cho hệ thống ngân hàng. Như vậy, đây là một chương trình cần có hai cấu phần chính, đó là tổ hợp tín dụng của các ngân hàng tham gia và quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia. Hai cấu phần này kết hợp được với nhau, bảo đảm sẽ đưa ra một chương trình cực kỳ thiết thực cho các DNNVV có khả năng tiếp cận vốn.

Tại Hội nghị trực tuyến để bàn các giải pháp hỗ trợ DN, nền kinh tế trước tác động của dịch Covid-19 của NHNN với đại diện một số ngân hàng thương mại, tổ chức ngày 9/7, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh tú nhấn mạnh: Hệ thống ngân hàng cần tiếp tục thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, DN, xã hội bằng những chương trình hành động cụ thể. NHNN sẽ ban hành chương trình trong thời gian tới với các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để toàn ngành triển khai thực hiện. Đồng thời, giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7/2021. Tuy nhiên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh quan điểm mọi hoạt động của ngân hàng phải hài hoà song hành giữa 2 mục tiêu hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, song vẫn bảo đảm an toàn một cách cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và cho từng tổ chức tín dụng nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn. Đầu tuần này, NHNN sẽ có cuộc họp với các ngân hàng thương mại lớn để thảo luận về các bước đi tiếp theo khi thực hiện giảm lãi suất cho vay. (Trâm Anh) 

 TS Nguyễn Trí Hiếu - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những gói thầu tiết kiệm 0 đồng!

Những nhà thầu quen mặt trúng các gói thầu giá sát, thậm chí có những gói thầu hàng chục tỷ đồng nhưng giá trúng thầu lại bằng với giá dự toán...

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/nhieu-doanh-nghiep-pha-san-loi-nhuan-ngan-hang-van-tang-bat-hop-ly-dung-de-keo-dai-426779.html