Những dấu ấn của cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo

10/07/2022 14:07

Kinhte&Xahoi Cố Thủ tướng Abe Shinzo xuất thân trong gia đình có truyền thống chính trị. Sau khi bước chân vào chính trường Nhật Bản năm 1993, ông đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong Chính phủ và đảng Dân chủ Tự do (LDP).

Ông Abe Shinzo là thành viên của một gia đình chính trị danh tiếng. Ông ngoại ông Abe Shinzo là Kishi Nobusuke giữ chức Thủ tướng Nhật Bản từ năm 1957 đến năm 1960. Cựu Thủ tướng Nhật còn có một người họ hàng khác là Sato Eisaku giữ chức vụ tương tự từ năm 1964 đến năm 1972.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Seikei ở Tokyo (năm 1977), ông Abe Shinzo chuyển đến Hoa Kỳ học khoa học chính trị tại Đại học Nam California, Los Angeles. Năm 1979, ông trở lại Nhật Bản và gia nhập công ty Kōbe Steel.

Ông Abe phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản vào năm 2006, trong thời gian giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ đầu tiên (Ảnh: Yomiuri Shimbun)

Sau đó, ông hoạt động tích cực trong đảng LDP. Năm 1982, ông bắt đầu làm thư ký cho cha mình - ông Abe Shintaro - người từng là Ngoại trưởng Nhật Bản.

Năm 1993, ông Abe Shinzo đã giành được ghế trong Hạ viện của Quốc hội Nhật và sau đó giữ một loạt các chức vụ trong Chính phủ và nhận được nhiều sự ủng hộ.

Năm 2003, ông Abe Shinzo được bổ nhiệm làm Tổng Thư ký của đảng LDP. Do giới hạn nhiệm kỳ của LDP, Thủ tướng kiêm lãnh đạo LDP Koizumi Junichiro buộc phải rời nhiệm sở vào năm 2006 và ông Abe đã kế nhiệm cả hai chức vụ.

Ông Abe Shinzo trở thành Thủ tướng đầu tiên của đất nước sinh sau Thế chiến thứ hai và cũng là Thủ tướng trẻ nhất kể từ sau chiến tranh.

Trong suốt thời gian là Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe đã đưa xứ sở mặt trời mọc trở thành quốc gia có vị thế ổn định và bền vững về cả chính trị, xã hội; Giải quyết tốt các vấn đề kinh tế và đối ngoại.

Trước khi ông Abe Shinzo phải rời nhiệm sở vì lý do sức khỏe, tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản rất thấp, khoảng cách thu nhập được rút ngắn, tỷ lệ tội phạm giảm, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở mức thấp. Ông đồng thời là người có công lớn trong việc giúp Nhật Bản đăng cai Olympic 2020 tại Tokyo, thậm chí còn xuất hiện với tư cách nhân vật Mario tại lễ bàn giao Olympic Rio 2016.

Trên phương diện kinh tế, ông Abe đã để lại dấu ấn đậm nét về chính sách Abenomics (Abe và Ecomomics). Nhiều nội dung trong gói chính sách này đã được hai Thủ tướng sau này là ông Suga Yoshihide và ông Kishida Fumio kế thừa và triển khai trên thực tế.

Đây là một tập hợp các biện pháp cải cách tiền tệ, tài chính, cơ cấu kinh tế hướng tới thúc đẩy tăng trưởng và đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài trong nhiều thập kỷ.

Việc triển khai Abenomics đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ như đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi vòng xoáy giảm phát; Đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 26 năm và tạo ra giai đoạn tăng trưởng liên tục dài thứ hai trong lịch sử thời hậu chiến cho Nhật Bản với 71 tháng liên tiếp.

Cố Thủ tướng Abe Shinzo hóa trang thành nhân vật game Mario. Ông cũng là người có công lớn trong việc giúp Nhật Bản đăng cai Olympic 2020 tại Tokyo (Ảnh: NYT)

Trong thời gian Thủ tướng Abe nắm quyền, chỉ số Nikkei đã tăng gấp đôi từ 10.000 điểm vào tháng 12/2012 lên hơn 20.000 điểm. Điều này phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư vào các chính sách kinh tế của Chính phủ Nhật Bản.

Trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Abe cũng chủ trương mở cửa với các lao động, nhà đầu tư và khách du lịch nước ngoài nhiều hơn bao giờ hết; Đồng thời chứng minh rằng một nền kinh tế phát triển vẫn có thể tăng trưởng bất chấp việc dân số ngày càng giảm và già hóa.

Nhờ vậy, số lượng người nước ngoài ở Nhật Bản đã liên tục tăng trong 8 năm liên tiếp, từ hơn 2,033 triệu người năm 2012 lên 2,933 triệu người vào năm 2019. Bên cạnh đó, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, du lịch là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp lớn cho kinh tế Nhật Bản.

Trong giai đoạn 2013 - 2019, số lượng du khách nước ngoài tới Nhật Bản đã liên tục phá đỉnh và đạt mức cao nhất là 31,88 triệu lượt vào năm 2019.

Mặt khác, cố Thủ tướng Abe đã giúp củng cố và nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước. Ông cũng đóng góp rất lớn vào việc thay đổi cách diễn giải trong hiến pháp hiện hành nhằm cho phép Lực lượng Phòng vệ (SDF) tham gia hoạt động phòng thủ tập thể để bảo vệ đồng minh trước các cuộc tấn công vũ trang và mở rộng vai trò của SDF trong luật an ninh mới. Đây được coi là những bước ngoặt quan trọng trong chính sách an ninh của Nhật Bản thời hậu chiến.

Trên lĩnh vực đối ngoại, cố Thủ tướng Abe đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có việc củng cố quan hệ đồng minh và tăng cường quan hệ của Nhật Bản với nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, ông đã giúp nâng cao vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế thông qua các hoạt động và sáng kiến an ninh khu vực quan trọng. Ngoài Đối thoại An ninh bốn bên (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), cố Thủ tướng Abe cũng được coi là người đề xướng ý tưởng về “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP).

Năm 2020, ông Abe từ chức với lý do căn bệnh viêm đại tràng nhưng vẫn tại vị cho tới khi đảng LDP tìm được người kế nhiệm. Dù không còn giữ chức Thủ tướng nhưng ông Abe vẫn có nhiều ảnh hưởng trong LDP. Không giống các chính khách khác rút lui khỏi chính trường sau khi rời vị trí quyền lực nhất, ông Abe vẫn xuất hiện trước công chúng. Ngay trước khi bị bắn, ông đang vận động cử tri ủng hộ đảng LDP trong cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới.

 Ngọc Ly - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mượn cớ thi trên mô hình, nhiều cơ sở đào tạo lái xe ô tô tuỳ tiện tăng giá

Trước thông tin chuẩn bị áp dụng quy định mới về giám sát thời gian học lái đường trường cùng việc học và thi trên thiết bị mô phỏng, nhiều cơ sở đào tạo lái xe ô tô đã tự ý tăng mức học phí, thậm chí nhiều nơi còn tăng hơn 50% so với trước. Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe ô tô không được tùy tiện tăng học phí.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhung-dau-an-cua-co-thu-tuong-nhat-ban-abe-shinzo-200711.html